Chuyến thăm UAE
Theo kênh CNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách khủng bố và tình báo tài chính, ông Brian E. Nelson, đã đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 30/1 để cảnh báo nước này rằng giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt sẽ không phải là không có hậu quả.
Tại UAE, ông Nelson đã gặp gỡ các quan chức cấp cao chính phủ UAE và thảo luận về việc triệt tiêu tận gốc tình trạng trốn tránh biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt, đặc biệt là đối với Nga và Iran. Ông cũng cam kết thực hiện các hành động bổ sung nhằm vào những bên trốn tránh lệnh trừng phạt hoặc tạo điều kiện trốn tránh các biện pháp trừng phạt.
Bộ Tài chính Mỹ trước đó đã cảnh báo: Các cá nhân và tổ chức hoạt động trong các khu vực pháp lý dễ dãi, gồm cả ở UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, có nguy cơ mất khả năng tiếp cận thị trường Các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) do kinh doanh với các thực thể bị trừng phạt hoặc không tiến hành thẩm định thích hợp hoạt động tài chính bất hợp pháp.
UAE đã giữ quan hệ chặt chẽ với Mỹ và Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. UAE chọn giữ thái độ trung lập khi nhận thấy trật tự thế giới đang hướng tới đa cực.
Mỹ đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh Trung Đông nói trên hỗ trợ nỗ lực kiềm chế Nga, nhưng rất hiếm khi đưa ra một lời cảnh báo công khai với một đồng minh thân cận như UAE.
Bà Justine Walker tại Hiệp hội Chuyên gia chống rửa tiền được chứng nhận (ACAM) cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là gửi thông điệp nhiều hơn tới khu vực Trung Đông và chỉ ra mức độ nghiêm túc của các biện pháp trừng phạt này. Mỹ đang cố nói rằng ‘nếu các ông định làm ăn với Nga, thì các công làm ăn với Nga nhưng các ông không làm ăn với chúng tôi nữa”.
Kể từ sau xung đột ở Ukraine, UAE đã trở thành điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư Nga tại thế giới Arab. Thị trường bất động sản ở UAE tăng mạnh khi người Nga đổ xô đến Dubai và Abu Dhabi.
Trước đây, Mỹ đã trừng phạt các tổ chức và cá nhân ở UAE vì trốn tránh lệnh trừng phạt. Gần đây hơn, họ đã trừng phạt hai công ty vận tải hàng không có trụ sở tại UAE vì hợp tác với một công ty Iran bị trừng phạt để vận chuyển máy bay không người lái, nhân viên và thiết bị liên quan của Iran từ Iran đến Nga.
Bộ ngoại giao của UAE đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNN.
Nga đang chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU). Nhưng hầu hết trong số đó là các biện pháp trừng phạt sơ cấp mà chỉ áp dụng trong lãnh thổ của quốc gia đưa ra biện pháp đó.
Ví dụ nếu một ngân hàng Nga đang chịu lệnh trừng phạt sơ cấp của Mỹ, thì ngân hàng đó không thể hoạt động tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, ngân hàng đó vẫn có thể làm ăn với ngân hàng UAE hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.
Các quốc gia bị trừng phạt thường lách bằng cách tìm ra kẽ hở để tiến hành kinh doanh bên ngoài Mỹ. Mỹ đã bịt lỗ hổng đó bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp, tức là trừng phạt các bên tiến hành hoạt động thương mại với các thực thể bị trừng phạt – ngay cả khi hoạt động diễn ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt như vậy buộc các quốc gia và thực thể phải lựa chọn giữa quốc gia bị trừng phạt hoặc Mỹ, chứ không phải chọn cả hai.
Một quan chức cấp cao Mỹ nói với CNN: “Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng thẩm quyền và tất cả các công cụ mà chúng tôi có để trấn áp hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt”.
Khi được hỏi liệu Mỹ có thực sự áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với Nga bằng cách yêu cầu UAE cắt đứt hoạt động kinh doanh với Nga hay không, quan chức này nói không.
Bà Walker cho biết Mỹ nhận thấy Nga lách luật trừng phạt bằng cách chuyển hoạt động thương mại qua Trung Đông, cũng như giao dịch trực tiếp với khu vực này.
Khi Mỹ thống trị nền kinh tế toàn cầu, các biện pháp trừng phạt thứ cấp thường có hiệu quả trong gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia bị trừng phạt. Nhưng bà Walker thấy việc Mỹ áp đặt trong trường hợp này là khó xảy ra, vì đó sẽ là leo thang căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng giữa UAE và Mỹ.
UAE đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ, chủ yếu thông qua các quỹ đầu tư quốc gia. Vào năm 2020, các nhà đầu tư UAE chiếm khoảng 45 tỷ USD trong dòng vốn đầu tư. Đây là mức tăng 65% so với năm trước.
Thương mại song phương giữa Mỹ và UAE vượt 23,03 tỷ USD vào năm 2021. Thặng dư thương mại lớn thứ 6 trên toàn cầu của Mỹ là với UAE và quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ giữa hai quốc gia này đã hỗ trợ hơn 120.000 việc làm cho người Mỹ.
Ông Abdulkhaleq Abdulla, một giáo sư khoa học chính trị UAE nói: “Chúng tôi đang làm rất nhiều dịch vụ cho người Mỹ. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ là các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Chúng không phải là lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và các quốc gia có thể lựa chọn. Chúng tôi có giao dịch với 190 các quốc gia khác nhau và Nga là một trong số đó”.
Ông Abdulla nói rằng những lo ngại của Bộ Tài chính Mỹ không phải là mới và Mỹ biết rất rõ rằng UAE có các cuộc đối thoại lành mạnh, liên tục về mọi thứ, gồm cả các biện pháp trừng phạt này. Ông nói: “UAE cũng cảnh giác như bất kỳ quốc gia nào, theo dõi từng đồng USD đi vào, từng giao dịch đơn lẻ, dù là của Nga hay nước nào khác. Không nên loại trừ UAE chỉ vì UAE có một thị trường tài chính mở”.
Quan chức Mỹ nói rằng mặc dù Mỹ tập trung vào một số vấn đề quan trọng mà họ thấy ở UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng hai quốc gia này không bị loại trừ. Quan chức này nói: “Đây là đối thoại mà chúng tôi đang thực hiện với nhiều đối tác và các quốc gia khác trên toàn cầu”.
Ông Karen Young, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia, cho biết Mỹ khó có thể công khai trừng phạt UAE do hai nước hợp tác trong các vấn đề khác như quan hệ với Israel và năng lượng.
Gây sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ
Sau chuyến thăm UAE, ông Brian Nelson đã đến thăm các quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực tư nhân vào ngày 2 - 3/2 để thúc giục nước này ngừng bán cho Nga các sản phẩm có thể được dùng trong xung đột với Ukraine.
Trong các cuộc họp ở Ankara và Istanbul, ông Nelson và phái đoàn đã nêu bật rằng sản phẩm trị giá hàng chục triệu USD xuất khẩu sang Nga đang gây lo ngại. Ông nói: “Không có gì ngạc nhiên… rằng Nga đang tích cực tìm cách tận dụng các mối quan hệ kinh tế lịch sử mà nước này có ở Thổ Nhĩ Kỳ. Câu hỏi đặt ra là phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ như thế nào”.
Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các biện pháp trừng phạt Nga sâu rộng trên nguyên tắc, nhưng nói rằng nước này sẽ không lách luật.
Các quốc gia phương Tây đã áp dụng các biện pháp kiểm soát và trừng phạt rong lĩnh vực xuất khẩu sau cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, các kênh cung cấp vẫn mở từ Hong Kong (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ và các trung tâm thương mại khác.
Theo Reuters, máy tính và các linh kiện điện tử trị giá ít nhất 2,6 tỷ USD đã chảy vào Nga trong 7 tháng tính đến ngày 31/10/2022. Các sản phẩm trị giá ít nhất 777 triệu USD trong đó là do các công ty phương Tây sản xuất và chip của họ đã được tìm thấy trong các hệ thống vũ khí của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cân bằng mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine trong suốt cuộc xung đột, tổ chức các cuộc đàm phán sớm giữa các bên và cũng giúp môi giới một thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine.
Chuyến đi của ông Nelson là chuyến đi mới nhất tới Thổ Nhĩ Kỳ của các quan chức cấp cao của Mỹ nhằm tăng áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo thực thi các biện pháp kiềm chế Nga.
Áp lực này đã mang lại một số thay đổi. Nhà cung cấp dịch vụ mặt đất lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Havas đã nói với các hãng hàng không Nga và Belarus rằng họ có thể ngừng cung cấp phụ tùng, nhiên liệu và các dịch vụ khác cho máy bay có nguồn gốc từ Mỹ.
Vào tháng 9/2022, 5 ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ sử dụng hệ thống thanh toán Mir của Nga sau khi Bộ Tài chính Mỹ nhắm vào người đứng đầu nhà điều hành hệ thống Mir bằng các biện pháp trừng phạt mới và cảnh báo những người giúp đỡ Nga không được lách luật.