Bạo lực đẫm máu
Vào đầu giờ ngày 7/10, hàng chục tay súng phong trào Hồi giáo Hamas đã vượt qua Dải Gaza vào Israel bằng đường bộ, đường biển và đường không, giành quyền kiểm soát một số thị trấn. Khi trút 5.000 quả rocket xuống Israel, Hamas tuyên bố bắt đầu chiến dịch Cơn lũ Al-Aqsa, kêu gọi tất cả các phe phái người Palestine và đồng minh đứng lên.
Đáp lại cuộc tấn công chưa từng có do Hamas gây ra, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố tình trạng chiến tranh và cam kết trả đũa mạnh mẽ. Israel đã mở chiến dịch Những thanh kiếm sắt, dội bom ác liệt vào hàng trăm mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza.
Hai ngày sau khi xung đột leo thang, ngày 9/10, quân đội Israel tuyên bố đã kiểm soát được tình hình tại toàn bộ cộng đồng ở vùng lãnh thổ phía Nam gần Dải Gaza, dù thừa nhận những tay súng Hamas có thể vẫn còn lẩn bên trong những nơi này.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant chỉ thị phong tỏa toàn bộ Gaza. Ngay sau đó, trong một thông báo đăng trên mạng xã hội, Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng Israel tuyên bố đã yêu cầu lập tức cắt nguồn cấp nước cho Dải Gaza.
Israel đã sơ tán cư dân tại 15 trong số 24 cộng đồng giáp Dải Gaza, đồng thời quân đội đã huy động 300.000 quân nhân dự bị.
Tính tới ngày 10/10 (giờ Việt Nam), theo kênh CNN, phía Israel có trên 900 người chết, phía Gaza có trên 680 người chết. Hàng nghìn người khác bị thương và ít nhất 123.000 người ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa do xung đột hoặc do nhà bị phá hủy.
Ngày 9/10, Phó thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas Moussa Abu Marzouk cho biết, lực lượng này để ngỏ việc thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn với Israel sau khi đạt được mục tiêu. Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại của kênh truyền hình Al Jazeera, ông Abu Marzouk nhấn mạnh Hamas sẵn sàng đón nhận tất cả các cuộc đối thoại chính trị và những điều tương tự.
Cùng ngày, người phát ngôn của cánh vũ trang Hamas Abu Ubaida tuyên bố lực lượng này sẽ không đàm phán về những người Israel bị bắt giữ khi đang hứng chịu hỏa lực. Ông Abu Ubaida lưu ý Israel nên sẵn sàng trả giá để đổi lấy tự do cho những người bị bắt giữ. Trong chiến dịch, Hamas đã bắt giữa cả trăm con tin Israel, trong đó có cả binh lính và dân thường. Lực lượng này đã cảnh báo sẽ hành quyết một con tin mỗi khi phía Israel tấn công dân thường ở Gaza mà không báo trước.
Đây được xem là đợt leo thang căng thẳng gây thương vong nặng nề nhất trong cuộc xung đột hàng thập niên qua giữa người Palestine và Israel.
Video Tháp Palestine bị Israel san phẳng (nguồn: AFP):
Thế giới nhấn mạnh giải pháp “hai nhà nước”
Sau khi bùng phát xung đột dữ dội giữa Israel và Hamas, cộng đồng quốc tế đồng loạt kêu gọi hai bên kiềm chế bạo lực, bảo vệ dân thường và nỗ lực làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi chấm dứt vòng luẩn quẩn bạo lực giữa người Palestine và người Israel. Trong một tuyên bố ngày 9/10, Tổng Thư ký Guterres nêu rõ, chỉ có một nền hòa bình đạt được thông qua đàm phán, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người Palestine và Israel, cùng với vấn đề an ninh như tầm nhìn lâu dài về giải pháp “hai nhà nước”, mới có thể mang lại ổn định lâu dài cho người dân vùng đất này và khu vực Trung Đông rộng lớn hơn.
Theo hãng tin AFP, trong một tuyên bố ngày 8/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức, bảo vệ dân thường và ngăn chặn xung đột leo thang. Bắc Kinh kêu gọi thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước và thành lập một nhà nước Palestine độc lập, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế sớm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel để đạt được một nền hòa bình lâu dài.
Trước đó, ngày 7/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga quan ngại sâu sắc về sự leo thang xung đột giữa người Palestine và Israel. Theo bà Zakharova, Nga tái khẳng định quan điểm ủng hộ chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 75 năm này thông qua các biện pháp chính trị-ngoại giao và thiết lập một tiến trình đàm phán toàn diện về cơ sở pháp lý quốc tế liên quan đến việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô. Nga kêu gọi Palestine và Israel ngừng bắn và thiết lập một tiến trình đàm phán nhằm hướng đến một nền hòa bình toàn diện và lâu dài ở Trung Đông.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Pháp, Đức, Italy và Anh cũng đã thảo luận về những diễn biến bất ngờ tại Dải Gaza, ủng hộ nỗ lực tự vệ của Israel. Tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố nhấn mạnh các nước này công nhận những nguyện vọng chính đáng của người dân Palestine, song cho rằng Hamas không mang lại điều gì hữu ích cho người dân Palestine.
Bên cạnh kêu gọi kiềm chế bạo lực, nhiều quốc gia đang thúc đẩy các nỗ lực hòa giải và giải quyết vấn đề con tin. Theo Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhà lãnh đạo này đã tiến hành các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Israel Isaac Herzog. Tổng thống Erdogan đề xuất làm trung gian hòa giải để chấm dứt bạo lực giữa hai bên.
Về phần mình, Ai Cập tập trung vào việc đảm bảo trả tự do cho các tù nhân là phụ nữ và trẻ em Palestine bị Israel giam giữ, để đổi lấy việc Hamas thả các con tin là các nữ binh sĩ Israel bị bắt giữ trong Chiến dịch Cơn lũ Al-Aqsa.
Qatar cũng đang nỗ lực làm trung gian để thúc đẩy thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa hai bên. Phong trào Hamas thông báo với Qatar rằng sẽ đồng ý với thỏa thuận trao đổi tù nhân nếu toàn bộ 36 nữ tù nhân người Palestine tại Israel được thả.
Những diễn biến tiếp theo
Các nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas có thể được định hình lại hoàn toàn và chuyển sang một giai đoạn mới. Ông Ameer Makhoul, một nhà phân tích người Palestine, nêu quan điểm trên trang tin tức middleeasteye.net: “Đây là một cuộc tấn công chiến lược chưa từng có, rất khó xác định kết cục vì tính chất bất thường của đợt leo thang. Ngay cả khi cuộc tấn công của Hamas kết thúc, tác động sẽ mang tính lâu dài và mang tính chiến lược”.
Trong một kịch bản, theo chuyên gia Hani Masri người Palestine, Israel có thể triển khai binh sĩ tới Dải Gaza, thay đổi thực tế hiện trạng đã tồn tại kể từ khi nước này rút lực lượng vào năm 2005. Tình hình có thể leo thang hơn nữa, lan ra các mặt trận mới, đặc biệt là ở biên giới phía Bắc với Liban. Trong thực tế, lực lượng Hezbollah ở Liban và Israel đã nã pháo vào nhau ngày 8/10.
Chuyên gia Masri nhận định các nỗ lực của thế giới Arab và quốc tế có thể thành công trong việc giảm leo thang cả tình hình lẫn quy mô trả đũa từ Israel. Kết quả là Israel có thể lựa chọn phản ứng mạnh mẽ nhưng có tính toán sao cho không đảo ngược hoàn toàn chiến lược kiềm chế Hamas.
Ở kịch bản khác, Israel có thể sẽ tìm cách khôi phục sức mạnh răn đe mà không đẩy vấn đề đến mức không thể quay lại được. Mặc dù còn quá sớm để hình dung tình hình sẽ diễn ra như thế nào trong ngắn hạn và dài hạn, nhưng chuyên gia Masri nói: “Những gì xảy ra sau ngày 7/10 sẽ khác với những gì xảy ra trước đó”.
Trong khi đó, nhà báo Israel Meron Rapoport dự đoán rằng phản ứng của Israel sẽ rất cứng rắn trong những tuần tới: “Israel sẽ muốn trả thù và gây tổn thất cho người Palestine càng nhiều càng tốt. Đó là những gì chúng ta sẽ thấy trong hai tuần tới. Tuy nhiên, sau đó Israel sẽ phải quyết định có gửi quân tới Gaza hay không và tính toán điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Bờ Tây”.
Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã ra thông báo khuyến nghị các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn cho cộng đồng người Việt tại địa bàn; đồng thời cung cấp đường dây nóng để hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp khẩn cấp. Đại sứ quán Việt Nam tại Israel xác định ưu tiên cao nhất hiện nay là tập trung đảm bảo an ninh, an toàn đối với cộng đồng người Việt tại địa bàn. Ngay sau khi nổ ra chiến sự, Đại sứ quán Việt Nam đã phân công các cán bộ, nhân viên bám sát tình hình, gọi điện hỏi thăm và động viên tinh thần của cộng đồng người Việt tại Israel, trong đó có các tu nghiệp sinh đang học tập tại đây. Đến nay, cộng đồng người Việt vẫn an toàn, chưa ghi nhận thương vong.