Phản ứng trước các cáo buộc mà ông cho là “không chính xác” đưa ra trong những tháng vừa qua, Tổng thống El-Sisi nêu rõ Ai Cập chưa bao giờ đóng cửa khẩu biên giới Rafah với Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Cairo về vấn đề này. Ông nêu rõ: “Chúng tôi mong muốn cung cấp viện trợ nhân đạo nhiều nhất có thể cho người dân Gaza. Kể từ ngày đầu xảy ra cuộc xung đột và thậm chí trước đó, Ai Cập đã quyết tâm duy trì cửa khẩu Rafah như là một tuyến đường chủ chốt để cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza”.
Nhà lãnh đạo Ai Cập hy vọng các bên đối địch sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong những ngày tới ở Dải Gaza. Ông cũng nêu bật sự quan tâm của Ai Cập đối với thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn và tiến trình thực hiện giải pháp hai nhà nước, trong đó có việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới ngày 4/6/1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry bày tỏ lấy làm tiếc khi trong phiên họp cấp cao của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCR), một số bên quốc tế “làm ngơ” trước nỗi đau của người dân Palestine ở Dải Gaza.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập, trong cuộc điện đàm với ông Tariq Mahmood Ahmad, Quốc vụ khanh Anh phụ trách các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi, Ngoại trưởng Shoukry đã lên án tiêu chuẩn kép và chính sách chọn lọc trong việc giải quyết các điều kiện nhân quyền ngày càng xấu đi ở Dải Gaza.
Ngoại trưởng Ai Cập nêu bật trách nhiệm pháp lý, nhân đạo và đạo đức mà cộng đồng quốc tế phải gánh vác trong quá trình chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza và ngăn chặn chiến dịch tấn công, cùng các hành vi vi phạm của Israel đối với người Palestine. Ông khẳng định tầm quan trọng của nỗ lực chấm dứt nỗi khổ đau của người dân ở Gaza, bằng cách tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và Đại hội đồng LHQ, cũng như các biện pháp tạm thời do Tòa án Công lý Quốc tế áp đặt.
Ngoại trưởng Shoukry và Quốc vụ khanh Anh Tariq Ahmad cũng thảo luận nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn mới càng sớm càng tốt nhằm xoa dịu tình hình ở Gaza; việc trao đổi con tin và tù nhân giữa các bên tham gia xung đột nhằm đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza - vốn vẫn là một trong những mục tiêu chính của Ai Cập.
Ngoại trưởng Shoukry yêu cầu viện trợ nhân đạo và cứu trợ phải được đưa tới Dải Gaza mà không bị cản trở và cộng đồng quốc tế phải gây áp lực buộc Israel dỡ bỏ mọi trở ngại ngăn cản dòng viện trợ vào lãnh thổ của Palestine. Ngoài ra, Ngoại trưởng Shoukry còn cảnh báo những hậu quả nhân đạo thảm khốc do các hoạt động quân sự trên bộ ở thành phố Rafah đối với người dân Dải Gaza, cũng như tác động tiêu cực của những hoạt động này đối với an ninh và ổn định trong khu vực.