Xung đột biên giới cản bước Ấn Độ tham gia RCEP

Xung đột biên giới Trung Quốc-Ấn Độ có thể đóng cánh cửa New Delhi gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) do Bắc Kinh khởi xướng.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tham dự hội nghị của RCEP tại Bangkok, Thái Lan năm 2019. Ảnh: Reuters

Trung Quốc và 14 quốc gia khác tham gia vào thỏa thuận đã cam kết giải quyết những điều Ấn Độ chưa hài lòng, sau khi New Delhi rút khỏi đàm phán RCEP vào tháng 11/2019. Căng thăng ở biên giới giữa hai nước này càng gây khó khăn để Ấn Độ quay lại với RCEP.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đổ trách nhiệm cho nhau trong vụ xung đột ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong. Phía Trung Quốc chưa công bố thương vong với lực lượng quân đội nước này. Nhưng sự việc khiến dư luận Ấn Độ kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và kêu gọi chính phủ có chính sách để trừng phạt kinh tế Trung Quốc.

Giáo sư Madhav Nalapat tại Học viện Giáo dục Manipal (Ấn Độ) cho biết: “Tình hình biên giới sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Khi nhắc đến việc ký kết RCEP thì sau 15/6 điều này là câu hỏi lớn”.

Ấn Độ rút khỏi RCEP trong tháng 11/2019 bởi các nhà sản xuất trong nước lo ngại họ bị lép vế bởi dòng sản phẩm của Trung Quốc. Nhưng 15 nước khác vẫn đồng ý ký thỏa thuận RCEP vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Piyush Goyal trong tháng 1 nói rằng Ấn Độ rút khỏi thỏa thuận RCEP một phần bởi “lo ngại nghiêm túc” về Trung Quốc.

Ngày 23/6, các nhà đàm phán thỏa thuận của những quốc gia còn lại cam kết hoàn tất RCEP vào cuối năm nay và tái kêu gọi Ấn Độ gia nhập.

Trong tuyên bố chung, các nước còn lại nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng việc Ấn Độ tham gia vào RCEP sẽ đóng góp cho phát triển và thịnh vượng của khu vực. Do vậy chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng RCEP vẫn mở cửa chào đón Ấn Độ”.

Giáo sư Tu Xinquan tại Đại học Kinh tế và Ngoại thương ở Bắc Kinh nhận định rằng không chỉ vì xung đột biên giới vừa qua, Ấn Độ trên thực tế chưa sẵn sàng cho một cuộc cạnh tranh quốc tế mà RCEP có thể đem đến. Giáo sư Tu Xinquan nhận định rằng các quốc gia còn lại nên chấp nhận thực tế rằng Ấn Độ sẽ không tái gia nhập RCEP.

Sau xung đột biên giới ngày 15/6, dư luận Ấn Độ đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Ngày 22/6, các quan chức bang Maharashtra tuyên bố ngừng thỏa thuận trị giá 500 triệu USD về nhà máy sản xuất ô tô của công ty Trung Quốc Great Wall Motor.

Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạng New Delhi ngày 25/6 tuyên bố các thành viên của hiệp hội này đang từ chối cho du khách Trung Quốc đặt phòng. Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạng New Delhi – ông Sandeep Khandelwal cho biết có 75.000 phòng khách sạn cùng tham gia “hỗ trợ chính phủ trong tình huống này với Trung Quốc”.

Ngày 23/6, Ấn Độ tuyên bố lệnh bắt buộc phải nêu rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trên trang giao dịch điện tử của chính phủ.

RCEP hội tụ 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Ngay cả khi Ấn Độ không tham gia RCEP thì các thành viên hiệp định này vẫn chiếm gần 1/3 dân số thế giới.

Hà Linh/Báo Tin tức
Ký kết RCEP sẽ góp phần khôi phục kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19
Ký kết RCEP sẽ góp phần khôi phục kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19

Vụ phó Vụ Chính sách Ngoại thương, Bộ Công Thương Lào, thành viên Đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) của Lào, ông Santisouk Phounesavath ngày 23/6 nhận định việc tập trung hoàn tất và nhanh chóng ký RCEP rất quan trọng nhằm giúp quá trình phục hồi kinh tế của khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN