Một đơn thỉnh cầu được đăng trên trang web của Nhà Xanh ngày 1/7 đề nghị người dân Hàn Quốc tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản. Trước đó, cùng ngày 1/7, Nhật Bản tuyên bố hạn chế xuất khẩu đến Hàn Quốc ba vật liệu được sử dụng để sản xuất màn hình điện thoại thông minh và vi mạch.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết một cuộc tẩy chay có thể tác động xấu đến ngành công nghiệp du lịch Nhật Bản. Riêng năm 2018 có tới 7,5 triệu du khách Hàn Quốc đến thăm Nhật Bản, đem về cho đất nước Mặt Trời mọc 5,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, một đại diện của công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản là JTB cho biết sẽ mất một thời gian ngành công nghiệp du lịch Nhật Bản mới thực sự trải nghiệm hiệu ứng từ động thái tẩy chay của Hàn Quốc.
Nhật Bản là nước cung cấp hàng nhập khẩu lớn thứ hai đối với Hàn Quốc, chỉ đứng sau Trung Quốc, với 54,2 tỷ USD hàng hóa mỗi năm. Trong số hàng hóa xuất khẩu từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, hơn 7% là máy móc. Một số hàng hóa đặc biệt khác bao gồm thiết bị phòng xử lý phim ảnh, tấm nhựa, hóa chất, ô tô… Năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 40.000 ô tô từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, nhiều công ty Nhật Bản đã lo lắng về động thái tẩy chay này. Người phát ngôn của Toyota chỉ xác nhận rằng công ty này “đang tiếp tục theo dõi tình hình”. Đại diện của công ty mỹ phẩm Kanebo trong khi đó phủ nhận về khả năng xảy ra tác động khi phát biểu: “Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là người trẻ tuổi và họ không mấy quan ngại về lịch sử hay vấn đề chính trị hơn thế hệ khác. Do vậy chúng tôi không tin rằng sẽ phải chịu ảnh hưởng từ cuộc tẩy chay các thương hiệu Nhật Bản”.
Hàn Quốc tuyên bố đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về động thái thay đổi xuất khẩu của Nhật Bản. Ngày 4/7, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cảnh báo về “các biện pháp đáp trả”.
Bộ trưởng Hong Nam-ki nói: “Nếu vấn đề không được giải quyết, chắc chắn Hàn Quốc sẽ đề nghị WTO đưa ra phán xét. Nhưng thường mất nhiều thời gian để WTO đưa ra phán quyết vì vậy đó không thể là giải pháp duy nhất”.
Ngày 3/7, Hàn Quốc tuyên bố dự định đầu tư hơn 850 triệu USD thường niên dành cho nghiên cứu vật liệu, thiết bị cho ngành công nghiệp vi mạch nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ Nhật Bản.
Nhưng giáo sư Lee Won-deok tại Đại học Kookmin (Hàn Quốc) đánh giá: “Nhật Bản có nhiều quân bài để sử dụng đối đầu với Hàn Quốc hơn là Seoul đối chọi với Tokyo nếu xét về quy mô kinh tế. Hàn Quốc biết rõ thực tế này. Đó là lý do Hàn Quốc không thể để căng thẳng leo thang. Việc trả đũa sẽ dẫn tới trả đũa và vòng luẩn quẩn này sẽ chỉ gây tổn thất cho cả hai phía. Tôi hy vọng rằng Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giải quyết được vấn đề một cách êm thắm”.
Mối quan hệ ngoại giao Hàn Quốc-Nhật Bản vẫn tồn tại nhiều bất đồng âm ỉ. Nhật bản đã không mời tàu chiến Hàn Quốc tới dự chương trình quốc tế đánh giá hải quân dự kiến tổ chức ở Tokyo vào tháng 10. Điều này được cho bắt nguồn từ vụ việc Hàn Quốc yêu cầu tàu của lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản tham dự chương trình tại Busan vào đầu năm nay không treo Húc Nhật kỳ, vốn có từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Tokyo đã từ chối do vậy tàu chiến của Nhật Bản không thể tham dự sự kiện khi đó.
Ngoài ra, Tokyo cũng không hồi đáp lời mời từ Bắc Kinh dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Bắc Á. Trung Quốc dự kiến là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh thường niên gồm 3 quốc gia. Hàn Quốc đánh tiếng sẽ góp mặt nhưng chưa hề có cam kết từ phía Nhật Bản. Bên cạnh đó, vấn đề phụ nữ mua giải khuây thời chiến tranh và tranh chấp lãnh thổ cũng là những vấn đề khiến quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đôi khi căng thẳng.