Xu thế ‘lặng lẽ bỏ việc’ len lỏi trong văn hóa công sở Mỹ

Một số người lao động Mỹ vạch ra ranh giới chỉ làm 40 tiếng một tuần, không nghe các cuộc gọi hay trả lời thư điện tử sau giờ làm. Nói một cách khác, những người này tập nói “không” thường xuyên hơn đối với những nhiệm vụ ngoài giờ.

Chú thích ảnh
Một số người lao động tại Mỹ cảm thấy công ty đang vắt kiệt sức lao động của họ trong bối cảnh lương đình trệ và lạm phát tăng cao. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, với tư duy “lặng lẽ bỏ việc”, những người lao động này đang muốn xóa tan cái bẫy ngột ngạt mà do thời đại kết nối liên tục tạo ra.

Trước đây, Maggie Perkins, một giáo viên sống tại Athens thuộc bang Georgia, chấp nhận làm việc tới 60 giờ một tuần như một điều nghiễm nhiên trong công việc. Tuy nhiên, nữ giáo viên 30 tuổi nhận ra điều đó thực sự có vấn đề khi cô sinh em bé đầu tiên.

“Tôi vẫn phải chấm điểm các bài kiểm tra khi đi máy bay du lịch cùng gia đình. Tôi không có cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân”, Perkins giải thích qua một đoạn video TikTok và nói thêm cô đã bắt đầu áp dụng mô hình “lặng lẽ bỏ việc”.

Perkins cho biết cô thậm chí còn nghỉ việc để đi học thạc sĩ, song vẫn hỗ trợ cho những người đồng nghiệp cũ của mình qua việc sản xuất video, podcast đưa ra những mẹo giúp họ giảm tải khối lượng công việc.

"Áp dụng tư duy này thực sự có nghĩa là bạn đang thiết lập một ranh giới, bạn thực hiện công việc với đúng mức lương được trả. Sau khi hết giờ, bạn có thể hoàn toàn bỏ lại công việc phía sau, về nhà và trở thành một con người với gia đình”, Perkins chia sẻ.

Tư duy “lặng lẽ bỏ việc” đã trở thành một bài đăng tiêu điểm trên TikTok hồi tháng 7.

“"Bạn không hoàn toàn từ bỏ công việc. Bạn vẫn đang thực hiện nghĩa vụ nhưng không còn phải chạy theo tâm lý văn hóa hối hả, coi công việc phải là cuộc sống của chính bạn”, người đăng @zaidleppelin nhấn mạnh.

Bài viết đó nhanh chóng được lan truyền, thu hút gần nửa triệu lượt thích. Các phóng viên cũng tốn nhiều giấy mực để cố gắng giải mã hiện tượng này.

Nhiều câu hỏi đặt ra liệu rằng xu hướng này chỉ do những người lười biếng cần một lý do hợp lý hay thực sự họ bị vắt kiệt sức lực trong công việc, đặc biệt là với văn hóa lúc nào cũng sẵn sàng làm việc của người Mỹ.

Dữ liệu thực tế cho thấy người lao động thực sự cần nhu cầu cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Theo một bảng thăm dò do Gallup thực hiện, tỷ lệ người lao động cảm thấy căng thẳng do công việc đã tăng từ 38% trong năm 2019 lên 43% vào năm 2020 sau đại dịch COVID-19. Trong số đó, phụ nữ tại Mỹ và Canada là nhóm đối tượng đối mặt với nhiều sức ép nhất.

Nhiều người “lặng lẽ bỏ việc” cho biết họ hoàn toàn sẵn sàng làm việc chăm chỉ, nhưng chỉ trong giờ làm việc. Phương châm của họ là làm theo mức lương được trả.

Arianna Huffington, người sáng lập Huffington Post, coi hiện tượng này là một bước tiến tới việc từ bỏ cuộc sống. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ Robert Reich lại cho rằng những người này chỉ đang từ chối cảnh bị bóc lột sức lao động.

Bess, yêu cầu không sử dụng tên thật, là một trường hợp cho thấy COVID-19 đã khiến một số công việc vượt ra ngoài thời gian làm việc bình thường.

Trước khi dịch bùng phát, cô được một công ty thuê làm và thường xuyên tới Đức công tác. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến cô mắc kẹt trong căn hộ ở New York và liên tục phải nhận điện thoại lúc 3h sáng từ nước Đức do chênh lệch múi giờ.

“Sau 6 tháng kinh hoàng, tôi ngưng trả lời thư điện tử trong vài tuần và cuối cùng nói lời tạm biệt với công việc”, Bess chia sẻ.

Philip Oreopoulos, một nhà kinh tế học tại Đại học Toronto, cho biết một giải pháp để tránh hiện tượng làm việc quá sức là hỏi rõ kỳ vọng của nhà tuyển dụng trước khi nhận việc.

“Nếu bạn phải nhận điện thoại liên quan đến công việc khi ở nhà, thì công ty nên nói rõ điều đó”, ông Philip Oreopoulos giải thích.

"Hãy đến gặp nhà tuyển dụng và nói rằng tôi đang có một cơ hội với công ty khác. Tôi đang nghĩ đến việc chấp nhận lời đề nghị đó. Đây là thời điểm tốt để yêu cầu tăng lương”, chuyên gia kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AFP)
Trở lại làm việc sau dịch, dân công sở Hàn Quốc lo sợ nạn ‘sếp lạm quyền’ tái phát
Trở lại làm việc sau dịch, dân công sở Hàn Quốc lo sợ nạn ‘sếp lạm quyền’ tái phát

Khi trở lại văn phòng làm việc sau dịch COVID-19, người lao động Hàn Quốc lo ngại nạn gapjil (thực trạng cấp trên lạm quyền cấp dưới) cũng sẽ trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN