Đối với Anh, quốc gia đang xúc tiến tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, xu hướng ủng hộ hay chống Brexit đang trở thành vấn đề then chốt gây chia rẽ các đảng chính trị cũng như cử tri Anh trong cuộc bầu cử EP lần này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất cho thấy các đảng ủng hộ Brexit (chủ yếu là đảng Brexit và UKIP) sẽ giành được nhiều phiếu bầu nhất, theo sau là Công đảng và các đảng Dân chủ-Tự do (Lib Dem).
Lib Dem được xem là đảng ủng hộ EU, trong khi đó quan điểm của Công đảng lại không rõ ràng. Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May dự kiến chỉ nhận được dưới 10% số phiếu ủng hộ. Cơ may để thỏa thuận Anh rời khỏi EU của bà May được thông qua tại Hạ viện Anh dường như là rất thấp.
Sự cạnh tranh giữa các đảng ủng hộ Brexit được nhận định là rất thấp khi các cử tri bất mãn với EU có thể dễ dàng lựa chọn đảng Brexit của ông Nigel Farage, một đảng chính trị mới thành lập có lập trường ủng hộ Brexit mà không cần có một thỏa thuận, hay "Brexit cứng". Trong khi đó, đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP), cũng do ông Farage lập ra, đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục những cử tri chủ trương ủng hộ "Brexit cứng".
Ngược lại, sự cạnh tranh gay gắt được dự báo sẽ diễn ra trong phe ủng hộ EU bởi có nhiều đảng như Lib Dem, đảng Xanh, đảng Dân tộc Scotland (SNP), đảng Dân tộc xứ Wales, đảng Sinn Féin tại Bắc Ireland. Do đó, các cử tri ủng hộ nước Anh ở lại EU đang rất chia rẽ bởi họ sẽ phải lựa chọn giữa nhiều đảng chính trị. Đảng Thay đổi nước Anh (Change UK - The Independent Group), vốn là kết quả của sự ly khai bên trong Công đảng và đảng Bảo thủ, muốn trở thành đảng trung tâm và lãnh đạo phong trào chống Brexit.
Tuy nhiên, trong những tuần qua, vị thế của đảng này đang đi xuống nhanh chóng và uy tín cũng đang bị suy giảm trầm trọng. Đảng Lib Dem đang được hưởng lợi từ tình hình này, một là phiếu ủng hộ họ cũng chính là một lá phiếu ủng hộ EU và cũng là lá phiếu ủng hộ sự thống nhất quốc gia. Bên cạnh đó, SNP đã thông báo rõ ràng ý định của họ về việc tổ chức một trưng cầu ý dân thứ hai về sự độc lập của Scotland.
Trong khi đó, một số cử tri Anh muốn cuộc bầu cử này là một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai. Cơ quan Nghiên cứu UK in a Changing Europe cho rằng cần phải phân tích tỷ lệ tham gia bầu để cho thấy tầm quan trọng mà các cử tri dành cho tính biểu tượng của một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai hơn là số phiếu mà các đảng dành được. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo về kết quả tồi tệ đang chờ đảng Bảo thủ, mà hệ lụy có thể khiến Thủ tướng May từ chức.