Theo báo Anh Guardian, trong thông báo về quyết định chia tay bộ môn quần vợt ở độ tuổi 25, vận động viên Barty cho biết những thành công mà cô đạt được từ trước đến nay không làm cô thỏa mãn. Thay vào đó, cô đã định nghĩa lại sự thành công đối với bản thân mình.
“Vẫn có đâu đó trong con người tôi không hài lòng về sự thành công đó. Đã đến lúc tôi theo đuổi những ước mơ khác”, Barty cho hay.
Trước đó, nữ vận động viên quần vợt người Anh Emma Raducanu đã từng nói về việc ưu tiên sức khỏe tinh thần và cho rằng quyết định nghỉ hưu sớm của Barty thể hiện “tính cá nhân trong mục tiêu của mỗi người”.
Hai nam diễn viên trẻ Tom Holland và Jack Gleeson ở độ tuổi 20 cũng có một mối quan hệ không mấy suôn sẻ khi nổi tiếng sớm trong sự nghiệp với 2 bộ phim bom tấn "Người nhện" và "Trò chơi vương quyền".
Trong khi Holland cân nhắc việc từ bỏ nghiệp diễn để quay trở lại đam mê cùng bước nhảy thì Gleeson quyết định tạm ngừng diễn 6 năm.
Theo bà Eliza Filby – cựu giảng viên bộ môn lịch sử tại Đại học Hoàng gia London, thái độ bất mãn với thành công sớm dẫn tới nghỉ hưu ở độ tuổi còn rất trẻ phản ánh một quan điểm mới trong thế hệ millennial.
“Những ngôi sao này đang tiếp nhận chủ nghĩa nhiệt thành, từ chối những quy tắc xưa cũ định hướng cách sống của bản thân. Đối với người trẻ thời nay, những gì mà họ làm không thể hiện họ là ai”, chuyên gia giải thích.
Almuth McDowall, giáo sư chuyên về tâm lý tổ chức tại Đại học London, nhận định “trong thế hệ trẻ đang diễn ra một quá trình đánh giá lại điều gì khiến cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp và ý nghĩa hơn”.
“Họ mất 2 năm vì đại dịch, và giờ là cuộc chiến tại châu Âu càng cho thấy một sự bất ổn định trong cuộc sống. Điều đó khiến họ suy nghĩ lại và kết quả là họ có những quyết định khác biệt đáng kể so với thế hệ trước”, bà Almuth lý giải.
Brandon, một blogger kiêm nhà phát triển phần mềm, cho biết anh cũng đã tiết kiệm đủ để nghỉ hưu trong độ tuổi 30. Anh tin rằng sự thiếu an toàn của thị trường việc làm hiện đại đã dẫn đến thế hệ millenial phải suy nghĩ lại về ý nghĩa của công việc. “Hãy nhìn vào khủng hoảng tài chính toàn cầu, tình trạng nổ bong bóng. Thế hệ của tôi nhận thức rất rõ rằng an ninh tài chính không thể đạt được thông qua một công việc văn phòng 8 tiếng mỗi ngày”, Brandon nói.
Joe Olson, một giáo viên tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu ở tuổi 29, cho biết thế hệ anh có những cuộc trò chuyện định nghĩa lại các giá trị. “Chúng tôi đều đồng tình rằng cuộc sống còn nhiều điều hơn là chỉ có công việc. Những vấn đề này được thảo luận trực tuyến có thể lan truyền và thấm sâu vào nhận thức của công chúng rất nhanh”, Olson chia sẻ.
Theo Olson, một lý do khác khiến thế hệ của anh thay đổi thái độ là họ nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần. “Rất nhiều người bị buộc phải làm việc trong những điều kiện rất khó khăn, trả giá bằng sức khỏe cơ thể cho những nhu cầu thiết yếu. Những người trẻ mặc dù không muốn bỏ việc nhưng giờ họ không chăm chăm quan tâm tới vấn đề tài chính. Họ muốn cuộc sống cân bằng, hạnh phúc hơn”, Oslon nói.
Sherridan Hughes, nhà tâm lý học nghề nghiệp, cho biết những người trẻ tuổi ít thiên về vật chất hơn so với các thế hệ trước. “Họ biết rằng họ không thể mua được nhà và ô tô. Họ hoàn toàn hài lòng khi đi thuê và điều đó làm nền tảng cho rất nhiều quyết định trong cuộc sống của họ”, bà Hughes lý giải.
Theo ông Cary Cooper – giáo sư về tâm lý tại Viện Nghiên cứu về độ tuổi Manchester, suy nghĩ “tìm kiếm tâm hồn” trong thế hệ trẻ xuất hiện đúng thời điểm khi COVID-19 ập đến, kéo theo sự thay đổi trong mô hình làm việc.
“Thế hệ trẻ từ chối trở thành tài sản của những ông chủ thuê. Họ không sẵn sàng để phải chịu đựng một môi trường làm việc về lâu dài sẽ hủy hoại cuộc sống của họ”, vị chuyên gia kết luận.