Tám tháng trước, cô Meng Hu - tại Quảng Châu (Trung Quốc) - nghỉ công việc tiếp viên hàng không để theo đuổi giấc mơ trở thành một ngôi sao bán trực tuyến. Hu biến căn hộ của mình thành một trường quay “dã chiến” và bắt đầu luyện nói trước máy quay phim. Hu trở thành người bán hàng livestream toàn thời gian trên trang mạng mua sắm trực tuyến Taobao. Tính đến thời điểm hiện tại, tài khoản của Hu đã thu hút trên 400.000 người theo dõi.
Hu chia sẻ về công việc: “Tôi nói không ngừng nghỉ. Họng tôi bắt đầu sưng lên. Với nghề này, bạn phải nói rất nhiều và tâm trạng của bạn tác động đến người xem. Bạn không thể chỉ làm mọi việc nửa chừng. Chỉ khi bạn nói chuyện nhiệt tình, bạn mới có thể khiến người mua hào hứng”.
Cô gái 27 tuổi này là một trong những ngôi sao đang lên trên thị trường mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc trị giá 66 tỷ USD. Mặc dù xu hướng này là một phần trong văn hóa Internet tại Trung Quốc nhiều năm qua, song giới phân tích cho rằng chính đại dịch COVID-19 đã làm cho thị trường trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Thậm chí Chính phủ Trung Quốc còn lên tiếng ủng hộ, gọi thị trường này là "động cơ mới" cho tăng trưởng thương mại điện tử và khuyến khích livestream trở thành giải pháp đối với tình trạng thất nghiệp.
Livestream bán hàng là hình thức kết hợp giữa giải trí và thương mại điện tử. Người xem mua hàng trực tuyến khi xem những đoạn video phát trực tiếp qua Internet chào mời đa đạng các sản phẩm, từ son môi cho đến nước giặt. Tương tự như một kênh mua sắm trên TV song livestream là một mô hình di động, hiện đại và có tương tác hơn.
Tác động do COVID-19
Theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2020, trên 10 triệu phiên bán hàng livestream đã được mở trực tuyến. Tính đến tháng 3, có tổng cộng 560 triệu người xem livestream bán hàng tại Trung Quốc, tăng 126 triệu lượt xem so với tháng 6 năm ngoái. Gần một nửa trong số đó cho biết họ sử dụng hình thức này để mua hàng.
Sandy Shen – Giám đốc nghiên cứu thương mại điện tử tại Gartner – cho biết trước khi đại dịch xảy ra, bà dự đoán hoạt động mua sắm qua livestream sẽ mất từ 2 đến 3 năm mới trở nên phổ biến. Tuy nhiên giờ đây, xu hướng này chỉ mất có 2-3 tháng.
Các chuyên gia dự đoán ngành này vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển. Theo công ty nghiên cứu thị trường iResearch có trụ sở tại Thượng Hải, năm 2019, thị trường mua sắm trực tuyến của Trung Quốc trị giá khoảng 66 tỷ USD. Theo dự báo của công ty vào tháng 7, con số này có thể tăng hơn gấp đôi trong năm nay.
Lợi nhuận khổng lồ
Một phần hấp dẫn của công việc này là viễn cảnh về lợi nhuận cao. Các thương hiệu thường xuyên công bố doanh thu hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD chỉ trong một lần livestream. Theo Taobao, mỗi năm, những người tạo sức ảnh hưởng hàng đầu có thể kiếm được hàng triệu USD.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng kiếm tiền trên các nền tảng điện tử mới này. Chuyên gia Shen giải thích: "Nếu bạn chỉ là một người buôn bán bình thường, mở cửa hàng trên Taobao và chỉ sử dụng nhân viên của mình, không quảng bá tiếp thị, bạn sẽ chỉ có vài trăm người theo dõi. Người xem có thể sẽ dừng lại trong 5 hoặc 10 giây. Nếu họ thấy không thú vị, họ sẽ bỏ theo dõi cửa hàng".
Đối với những người mới vào nghề như Hu, xu hướng livestream bán hàng bùng nổ vừa là cơ hội vừa là thách thức. Hu nói: “Số người xem có thể tăng gấp đôi, nhưng số lượng người bán có lẽ đang tăng gấp 7-8 lần. Rất nhiều người giống tôi gia nhập mô hình livestream bán hàng như thế này”.
Hu tiết lộ lợi nhuận cô kiếm được một tháng bằng lương cả năm so với những năm trước. Tuy nhiên, giờ làm việc rất vất vả. Mỗi ngày, cô dành 7 tiếng đồng hồ livestream trước người mua, đưa ra những lời mời mua hàng giảm giá đối với tất cả mặt hàng từ kỳ nghỉ cho đến đồ ăn, sản phẩm dưỡng da. Đến tối, cô cũng mất hàng giờ đồng hồ đọc thông tin sản phẩm hôm sau sẽ bán. Hu nói: "Mỗi ngày tôi tỉnh dậy, làm việc, ăn, làm việc và đi ngủ. Thực sự rất vất vả”.
Hu không làm một mình. Cô có một đội ngũ trên 20 người làm việc phía sau hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp. Có một lực lượng từ công ty tìm kiếm tài năng giúp Hu chọn sản phẩm giới thiệu cũng như lên lịch trình quay video. Thỉnh thoảng, chồng Hu cũng xuất hiện trong video và livetream cùng.
Mô hình thương mại mới
Giống như phần lớn các nước khác, Trung Quốc cũng gặp khủng hoảng kinh tế và việc làm trong năm nay. Để giúp nền kinh tế hồi phục, chính phủ nắm bắt xu hướng, khuyến khích người dân tham gia livestream. Cụ thể, tháng 2 vừa qua, Bộ Thương mại Trung Quốc khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử giúp nông dân bán nông sản trực tuyến, đặc biệt qua livestream.
Trong tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm một ngôi làng phía tây bắc. Tại đây, ông trò chuyện và khuyên nông dân bán nông sản bằng hình thức livestream. Theo hãng thông tấn Tân Hoa, Chủ tịch Tập Cận Bình ca ngợi sức mạnh của thương mại điện tử, coi đây là cơ hội tiềm năng giúp người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Đến tháng 5, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc liệt kê người bán hàng livestream vào danh sách các nghề. Điều đó có nghĩa là chính phủ đã bắt đầu công nhận đây là một công việc chính thức. Truyền thông nhà nước cho biết sự công nhận này sẽ giúp Trung Quốc tạo ra các nhóm việc làm mới để cân bằng tình trạng mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất bị đại dịch xóa sổ.
Một số chính quyền địa phương thậm chí đang nỗ lực để biến các thành phố thành trung tâm mua sắm phát sóng trực tuyến. Hồi tháng 6, giới chức tại Quảng Châu đã tổ chức lễ hội mua sắm livestream kéo dài 3 ngày. Các doanh nghiệp tham gia thực hiện hơn 200.000 buổi phát sóng.
Fu Linghui - người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia - cho biết: “Khi nền kinh tế phục hồi, thị trường việc làm đang mở rộng. Mô hình mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong ổn định thị trường”.
Chuyên gia Shen kết luận: “Bắc Kinh coi đây là một xu hướng có thể giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và cũng như duy trì việc làm. Họ coi đây là một cơ hội. Tôi nghĩ nếu tạo ra cơ sở hạ tầng hỗ trợ, xu hướng này chắc chắn có thể giúp nâng cao nền kinh tế”.