Nhờ hệ thống xe buýt nhanh (BRT) ở thành phố Peshawar, phía Tây Bắc Pakistan, Jabeen (23 tuổi) cho biết cô đã có thể tiếp tục học thạc sĩ, nuôi ước mơ trở thành nhà thực vật học.
Jabeen chia sẻ với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng cha mẹ muốn cô dừng việc học hành bởi họ không muốn Jabeen phải di chuyển trên những chiếc xe buýt nhỏ nhếch nhác của tư nhân.
Nhưng với chiếc xe buýt nhanh BRT mới tinh, có điểm dừng chờ chỉ cách nhà Jabeen vài phút đi bộ và điểm xuống ngay cổng trường đại học, cha mẹ của cô đã đổi ý.
Được triển khai từ năm 2020, xe buýt nhanh BRT đã giành được niềm tin của phụ nữ ở những thành phố mà có 90% phụ nữ cho biết họ cảm thấy không an toàn khi sử dụng phương tiện công cộng.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hành vi quấy rối như huýt sáo, nhìn chằm chằm, động chạm… khá phổ biến trên các xe buýt hoặc điểm chờ xe tại Pakistan, khiến nhiều phụ nữ lo lắng về việc di chuyển một mình bằng phương tiện này.
Nhưng ở Peshawar, có đến 1/4 ghế ngồi trên xe buýt được dành riêng cho phụ nữ. Trên xe còn có camera giám sát, các điểm dừng chờ được trang bị đầy đủ ánh sáng. Điều này khiến hành khách nữ cảm thấy thoải mái hơn. Khoảng 15% trong tổng số 2.000 nhân viên của xe buýt BRT là nữ giới.
Người phát ngôn của doanh nghiệp nhà nước TransPeshawar vận hành xe buýt nhanh BRT cho biết những thay đổi này giúp lý giải cho thực tế hiện nay có đến 30% hành khách di chuyển bằng phương tiện này là nữ, tăng so với mức chỉ 2% của năm 2021.
Phụ nữ Pakistan phụ thuộc nhiều vào phương tiện công cộng hơn nam giới vì họ thường không có ô tô, xe máy… Phụ nữ Pakistan hiếm khi lái xe máy hoặc đi xe đạp, còn ngồi xe lam bị coi là không an toàn. Xe buýt hoặc xe ô tô nhỏ có nhiều hành khách nam giới cũng khiến phụ nữ Pakistan ngần ngại. Như trường hợp của Jabeen, người thân trong gia đình không muốn cô di chuyển trên những phương tiện này.
Bà Hadia Majid tại Đại học Khoa học Quản lý Lahore (Pakistan) nhận định điều này gây khó khăn cho những người phụ nữ muốn làm việc ở bên ngoài, xây dựng mạng lưới nghề nghiệp, giao tiếp xã hội cũng như tham gia các hoạt động giải trí.
Bà Hadia Majid bổ sung: “Phương tiện giao thông công cộng an toàn, đáng tin cậy và giá cả phải chăng giúp người lao động có thể tìm kiếm việc làm rộng rãi hơn và tìm được công việc phù hợp hơn với kỹ năng cụ thể của họ”. Theo WB, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động tại Pakistan thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới và giảm từ 24% năm 2015 xuống chỉ còn 23% năm 2019.
Nhưng với việc thường xuyên có xe buýt, làn đường dành riêng, các điểm chờ giống như tàu điện ngầm và kết nối được cải thiện trên toàn thành phố, xe buýt nhanh BRT đã giúp việc đi lại trở nên rẻ, nhanh chóng và an toàn hơn. Giá vé cao nhất của xe buýt nhanh BRT là 30 Pakistan rupee (gần 4.000 đồng), điều này khiến dịch vụ xe buýt nhanh BRT được phụ nữ tại các hộ gia đình thu nhập thấp ưu ái.
Cô Umme Salma, nhân viên tại TransPeshawar, chia sẻ thường chi 280 rupee để đến chỗ làm mỗi ngày bằng xe lam hoặc xe buýt mini tư nhân. Nhưng nay cô tiết kiệm được cả tiền bạc lẫn thời gian khi sử dụng xe buýt nhanh BRT.
Cô Salma bổ sung: “Đầu tư vào phương tiện công cộng chất lượng cao cũng cần được bổ sung bằng các chính sách khác giúp phụ nữ an toàn”. Nhiều nhà hoạt động vì nhân quyền phụ nữ nhận định hệ thiếu hệ thống đèn đường, cảnh sát tuần tra... có thể khiến việc di chuyển của nữ giới đối mặt với nhiều hiểm nguy.
Nhưng với nữ hành khách Madiha Shakir, chỉ riêng hệ thống xe buýt nhanh BRT đã được coi là thay đổi cuộc sống. Cô Madiha Shakir bộc bạch: “Tôi chưa bao giờ được phép sử dụng phương tiện công cộng một mình. Khi lập gia đình, tôi phải chờ chồng đưa đến chợ bởi lo sợ phải ra ngoài không có người đi kèm. Nhưng chiếc xe buýt này đã giải phóng tôi”.