Xả thải nhiều nhất, vì sao Trung Quốc không cam kết giảm khí mê tan?

Ngoài Nga và Ấn Độ, Trung Quốc cũng không ký cam kết giảm khí mê tan, loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai mà con người xả ra môi trường.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện chạy than tại Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: New York Times

Theo tờ SCMP, hơn 100 quốc gia đã cam kết giảm phát thải mê tan ít nhất 30% vào năm 2030 so với mức năm 2020. Cam kết Mê tan Toàn cầu được khởi xướng ngày 2/11 tại cuộc họp lần 26 của các bên tham gia Công ước khung về chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Scotland. Cam kết này gồm các quốc gia thải ra gần một nửa lượng mê tan toàn cầu và chiếm 70% GDP toàn cầu. Cam kết lần đầu được Mỹ và Liên minh châu Âu đề xuất hồi tháng 9 và được một số quốc gia phát thải mê tan nhiều nhất ủng hộ, như Brazil, Indonesia, Pakistan và Argentina.

Mê tan là loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai do con người thải ra, chỉ sau CO2. Vòng đời trong bầu khí quyển của mê tan là khoảng 10 năm và có ảnh hưởng lớn đến khí hậu. Trong thời gian trên 20 năm, mê tan có thể làm ấm khí quyển mạnh hơn CO2 tới 80 lần. Giảm khí mê tan cũng giúp cải thiện chất lượng không khí vì nó là chất gây ô nhiễm không khí nguy hiểm.

Trong Cam kết Mê tan Toàn cầu, các nước công nhận rằng phải giảm đáng kể mê tan toàn cầu vào năm 2030 nếu thế giới muốn đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C, đồng thời theo đuổi nỗ lực hạn chế mức tăng chỉ ở 1,5 độ C.

Mê tan chiếm 17% khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu do hoạt động con người gây ra, đặc biệt là trong năng lượng, nông nghiệp và chất thải. Trong lĩnh vực năng lượng, mê tan bị thải ra trong quá trình lấy, xử lý và phân phối khí đốt và dầu cũng như quá trình khai thác than.

Báo cáo Đánh giá Mê tan Toàn cầu do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc công bố tháng 5 cho thấy các biện pháp hiện tại có thể giảm phát thải mê tan từ ba nguồn trên tới 45% trong thập kỷ này. 

Tại Trung Quốc, mê tan thải ra nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất than. Trung Quốc là nước thải khí mê tan nhiều nhất thế giới nhưng không tham gia cam kết trên. Mê tan ở Trung Quốc tăng 40% trong những năm 2000, chiếm 16% khí thải mê tan toàn cầu. Lượng mê tan do Trung Quốc thải ra ổn định trong 10 năm qua, chủ yếu do khai thác than ổn định.

Tại họp báo ngày 3/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân không trực tiếp giải thích lý do nước này không cam kết giảm mê tan, chỉ nói rằng các quốc gia đang phát triển nói chung có dữ liệu cơ sở yế,  thiếu công nghệ giám sát và biện pháp hiệu quả.

Theo ông Teng Fei, Phó giám đốc Viện Kinh tế Môi trường Năng lượng tại Đại học Thanh Hoa, dữ liệu cơ sở yếu và khó khăn trong giảm 30% khí thải mê tan tới năm 2030 là những lý do chính khiến Trung Quốc không tham gia cam kết nói trên. Ông nói: “Chúng ta không thật chắc chắn về cơ sở một số loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngoài CO2 và con số không chắc chắn là tương đối lớn. Đặt mục tiêu giảm khí thải tuyệt đối dựa trên cơ sở này là không nghiêm túc”.

Ông Teng Fei cũng cho rằng Trung Quốc đặt mục tiêu giảm mê tan 30% vào năm 2030 là tương đối khó do ngành nông nghiệp - một ngành cũng thải nhiều mê tan nhưng lại nhỏ lẻ. Hộ gia đình nhỏ sở hữu gia súc, cánh đồng nên khó giảm khí thải mê tan.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nông trại nổi - Giải pháp giúp Bangladesh đối phó với biến đổi khí hậu
Nông trại nổi - Giải pháp giúp Bangladesh đối phó với biến đổi khí hậu

Nông dân Bangladesh đã đối phó với các điều kiện khí hậu cực đoan bằng cách áp dụng kỹ thuật trồng rau trên các luống đất nổi và phát triển lúa kháng mặn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN