WTO công bố báo cáo mới về thương mại toàn cầu đối với các sản phẩm y tế

Ban thư ký Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây đã công bố báo cáo về giao dịch thương mại của các sản phẩm y tế thiết yếu được sử dụng trong việc ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị các trang thiết bị để đón các bệnh nhân mới nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Alba, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo của WTO theo dõi dòng chảy thương mại của các sản phẩm như sản phẩm bảo vệ cá nhân, trang thiết bị bệnh viện và thí nghiệm, thuốc và công nghệ y tế, cùng với việc cung cấp thông tin về thuế quan tương ứng.

Các sản phẩm y tế hiện được coi là thiết yếu và đang bị thiếu hụt trầm trọng trong cuộc khủng hoảng COVID-19, bao gồm máy chụp cắt lớp vi tính, chất khử trùng/sản phẩm khử trùng, khẩu trang, găng tay, xà phòng rửa tay và chất khử trùng, máy theo dõi bệnh nhân và đo oxy, kính bảo vệ và tấm che, máy tiệt trùng, ống tiêm, nhiệt kế, thiết bị quét siêu âm, máy thở, mặt nạ dưỡng khí, thiết bị X-quang và các thiết bị y tế khác. Hoạt động thương mại của những sản phẩm này ước đạt khoảng 597 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 1,7% tổng giao dịch hàng hóa thế giới.

Trong thị trường các sản phẩm y tế thiết yếu, 10 nền kinh tế cung ứng lớn nhất chiếm gần 3/4 tổng xuất khẩu của thế giới, trong khi 10 khách mua lớn nhất chiếm đến 2/3 lượng nhập khẩu của thế giới. 

Đức, Mỹ và Thụy Sỹ cung cấp tổng cộng 35% sản phẩm y tế, trong khi Trung Quốc, Đức và Mỹ xuất khẩu 40% sản phẩm bảo vệ cá nhân. Hoạt động xuất nhập khẩu các sản phẩm y tế đạt khoảng 2.000 tỷ USD, bao gồm cả thương mại nội khối Liên minh châu Âu (EU), chiếm khoảng 5% tổng thương mại hàng hóa thế giới năm 2019.

Những cam kết trong các cuộc đàm phán và thỏa thuận khác nhau của WTO đã giúp làm giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm này và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, với mức thuế trung bình đối với các sản phẩm y tế ở mức 4,8%, thấp hơn mức thuế trung bình 7,6% của các sản phẩm phi nông nghiệp nói chung. Các số liệu thống kê cũng cho thấy 52% trong tổng số 134 thành viên WTO áp dụng mức thuế từ 5% trở xuống đối với các sản phẩm y tế.

Tuy nhiên, thuế quan đối với một số sản phẩm vẫn rất cao. Chẳng hạn, mức thuế áp dụng trung bình đối với xà phòng rửa tay là 17% và một số thành viên WTO áp dụng tới 65%. Các thiết bị bảo hộ được sử dụng trong cuộc chiến chống lại COVID-19 có mức thuế trung bình 11,5%, nhưng ở một số quốc gia lên tới 27%. 

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo và Tổng thư ký Phòng Thương mại quốc tế (ICC) Johnson Denton trước đó đã ra tuyên bố chung kêu gọi các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đối thoại, nhằm tối đa hóa hiệu quả của các chính sách nhằm làm giảm bớt thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, đặc biệt là đối với thương mại. Tuyên bố cũng cho biết, với sự hỗ trợ của WTO, ICC sẽ cùng với các đối tác tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến về kinh doanh để đẩy nhanh các biện pháp thúc đẩy kinh doanh ứng phó với đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, WTO khuyến khích các thành viên thông báo các biện pháp thương mại, bao gồm cả các biện pháp hạn chế thương mại, cấm xuất khẩu các sản phẩm y tế nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Trang điện tử của WTO công bố danh sách không chính thức do Ban Thư ký WTO tổng hợp tình hình nhằm minh bạch hóa biện pháp thương mại của các nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã gây chú ý đáng kể đối với hoạt động thương mại của các sản phẩm y tế và đặc biệt của các sản phẩm phòng ngừa, thử nghiệm và điều trị. Đại dịch này đã lây lan đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1 triệu người bị nhiễm bệnh và làm gia tăng số ca tử vong. 

Có thể hiểu việc các chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ để ngăn chặn đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra. Tuy nhiên, một số biện pháp này có thể vô tình tác động đến dòng chảy quan trọng của hàng hóa y tế. Báo cáo của WTO cung cấp một cái nhìn tổng quan toàn diện về thương mại và thuế quan áp dụng đối với hàng hóa y tế nói chung, qua đó cung cấp thông tin thực tế về cách thức các hàng hóa này được giao dịch trên toàn cầu. Nhiều phần trong số các hàng hóa y tế dường như bị thiếu hụt nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay.

Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)
Tăng tốc sản xuất trang thiết bị y tế, máy thở phục vụ phòng chống dịch COVID-19
Tăng tốc sản xuất trang thiết bị y tế, máy thở phục vụ phòng chống dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tập huấn về điều trị, sàng lọc, chuẩn bị bệnh viện dã chiến; tăng tốc việc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN