WTO ‘bật đèn xanh’ để châu Âu áp 4 tỉ USD thuế bổ sung với Mỹ

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cấp phép để Liên minh châu Âu (EU) áp đặt thuế tới 4 tỷ USD lên các sản phẩm của Mỹ hàng năm. Đây là lời đáp trả của EU liên quan tới cáo buộc Mỹ trợ cấp trái phép cho nhà sản xuất máy bay Boeing.

Chú thích ảnh
Mức thuế mới có thể tác động mạnh đến Boeing. Ảnh: The New York Times

Tờ New York Times (Mỹ) đưa tin WTO đã ra quyết định trên vào ngày 13/10. Trong khi đó, Mỹ cũng khiếu nại rằng châu Âu đã chống lưng cho nhà sản xuất máy bay Airbus. Năm 2019, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thuế bổ sung với phi cơ, rượu, pho mai… và nhiều sản phẩm khác xuất xứ từ châu Âu sau khi được WTO cho phép.

Hiện vẫn chưa rõ những diễn biến này có khiến Mỹ và châu Âu đến bàn đàm phán về bất đồng liên quan đến các hãng sản xuất máy bay. EU đã nhiều lần đề nghị Mỹ loại bỏ thuế nhưng Washington lại cho rằng châu Âu chưa có động thái cần thiết để ngưng trợ cấp Airbus.

Ủy ban châu Âu trong năm 2019 đã lên danh sách sơ bộ các sản phẩm của Mỹ có thể chịu mức thuế bổ sung bao gồm máy bay, hóa chất, cá đông lạnh, tương cà chua… Mức thuế mới từ EU diễn ra ở thời điểm nhiều khó khăn đối với các công ty Mỹ, vốn chật vật vì dịch COVID-19, và Boeing cũng không phải ngoại lệ.

Giống như Airbus, Boeing đã tuyên bố kế hoạch cắt trên 10% lực lượng lao động trên toàn cầu do hoạt động hàng không chững lại bởi dịch COVID-19. Nhà sản xuất máy bay Mỹ còn gặp khó khăn liên quan tới dòng 737 Max vốn bị cho ngưng hoạt động trên toàn cầu từ tháng 3/2019 sau hai vụ rơi máy bay khiến 346 người thiệt mạng.

Hồi tháng 1/2020, Boeing ước tính rằng điều này khiến công ty có thể chịu thiệt hại trên 18 tỷ USD. Hãng kêu gọi EU cân nhắc về việc áp đặt thuế và “tập trung vào nỗ lực để giải quyết tranh chấp đã kéo dài lâu”. Boeing đưa ra thông báo: “Chúng tôi lấy làm tiếc về việc Airbus và EU tiếp tục tìm cách áp đặt thuế đối với các công ty và người lao động Mỹ dựa trên quy định về thuế vốn đã bị bãi bỏ”.

Khiếu nại giữa châu Âu và Mỹ liên quan tới hai hãng sản xuất máy bay hàng đầu nhen nhóm từ năm 2004. Ở thời điểm đó, Mỹ và Boeing cáo buộc một số quốc gia châu Âu vi phạm thỏa thuận thương mại khi cung cấp cho Airbus khoản vay ưu đãi, giúp hãng này phát triển và sản xuất một số loại máy bay và cạnh tranh thị trường với Boeing trong khi trước đó vào năm 1990 Airbus chỉ chiếm chưa đầy 25% thị trường. Năm 2005, EU khiếu nại cho rằng Mỹ đã trợ cấp trái phép cho Boeing. Trong phán quyết năm 2019, WTO cho rằng Boeing được hưởng lợi từ giảm trừ thuế của bang Washington.

Hà Linh/Báo Tin tức
Palestine bác thông tin về yêu cầu hòa giải liên quan đến các khoản thuế thu hộ
Palestine bác thông tin về yêu cầu hòa giải liên quan đến các khoản thuế thu hộ

Bộ trưởng Các vấn đề dân sự của Palestine Hussein al-Sheikh cho biết Chính quyền Palestine (PA) không yêu cầu hòa giải vấn đề liên quan đến các khoản thuế thu hộ mà Israel đang giữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN