Cơ quan y tế của Liên hợp quốc này cho biết bất chấp các biện pháp toàn cầu nhằm ngăn chặn dịch bệnh, mpox vẫn là mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đối với những người có hệ thống miễn dịch suy giảm.
Đại diện của WHO tại Nam Sudan, ông Humphrey Karamagi, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm nhanh chóng và đáng tin cậy để có thể ứng phó kịp thời. Với sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ, WHO đã cung cấp cho Phòng xét nghiệm y tế công cộng Nam Sudan các bộ xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) tiên tiến. Theo ông Karamagi, các bộ xét nghiệm này giúp tăng cường khả năng phát hiện và ứng phó kịp thời với các đợt bùng phát, do đó giúp tăng cường khả năng chuẩn bị và ứng phó, cuối cùng là cứu sống được nhiều người hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi, kể từ đầu năm đến nay, châu lục này ghi nhận tổng cộng 29.152 ca mắc mpox, trong đó có 6.105 ca được xác nhận và 738 ca tử vong.
Phát biểu họp báo trực tuyến ngày 19/9, người đứng đầu CDC châu Phi Jean Kaseya cho biết chỉ riêng trong tuần qua, châu lục này đã báo cáo 2.912 ca mắc mới, bao gồm 374 ca được xác nhận và 14 ca tử vong. Đợt bùng phát mới nhất này đã ảnh hưởng đến 15 quốc gia ở cả 5 khu vực của lục địa đen, trong đó việc di chuyển xuyên biên giới, suy dinh dưỡng và hành vi tình dục không an toàn được xác định là các yếu tố rủi ro chính gây bệnh.