WHO nhấn mạnh xu hướng này đồng nghĩa với việc các nước châu Âu phải đối mặt với các thách thức về chăm sóc sức khỏe, kinh tế và xã hội, vốn đòi hỏi tập trung vào quá trình lão hóa lành mạnh để giảm thiểu tác động của dân số già.
Để giảm thiểu tác động của dân số già hóa, WHO kêu gọi các biện pháp nhằm giúp người già duy trì và cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, sự độc lập, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống. Trong số các khuyến nghị, có các chính sách tăng cường hoạt động thể thao và văn hóa cho người lớn tuổi.
Người lớn tuổi có thể cải thiện sức khỏe bằng cách thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải tối thiểu 150 phút/tuần cũng như các hoạt động duy trì sự cân bằng, khả năng vận động, giảm mất khối lượng cơ và tránh loãng xương. Theo WHO, việc tham gia vào các hoạt động thể chất ở mức độ cao hơn có thể giảm 35% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
Già hóa dân số là vấn đề đáng lo ngại, đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của châu Âu. Trong nỗ lực giảm đến mức thấp nhất những hệ lụy do dân số già hóa nhanh chóng, chính phủ nhiều nước châu Âu đã triển khai nhiều chính sách như thu hút thêm lao động nước ngoài, tăng tuổi nghỉ hưu, khuyến khích tăng tỷ lệ sinh...