Một viện dưỡng lão ở miền Đông Trung Quốc đã triển khai một lối tiếp cận mới để giải quyết một trong nhiều vấn đề nhân khẩu học của quốc gia. “Không gian sống nhiều thế hệ” là chương trình được Cục Nội vụ quận Tân Giang, Hàng Châu lần đầu thí điểm vào năm 2019.
Hai đợt gồm 15 sinh viên tốt nghiệp đã được lựa chọn để hoàn thành chương trình Sunshine Home. Đợt tuyển dụng thứ 3 với số lượng từ 15 đến 20 người đang được tiến hành và những người được chọn sẽ được ký hợp đồng một năm.
Qua bài đăng trên tài khoản WeChat, Cục Nội vụ quận Tân Giang cho hay: “Chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt cảm xúc và tương tác xã hội đối với những người cao tuổi, cũng như giảm chi phí sinh hoạt cho những người trẻ vừa mới bước vào thị trường lao động”.
Các ứng viên được yêu cầu phải có hợp đồng lao động với một công ty địa phương hoặc giấy phép làm việc trong quận Binjiang và họ không được có nhà ở trong khu vực đô thị Hàng Châu.
Bài đăng trên WeChat nêu rõ những ứng viên có thể duy trì công việc ổn định vào các ngày trong tuần sẽ được ưu tiên. Những người được hưởng tài trợ về chỗ ở sẽ phải tham gia vào các hoạt động khác nhau, cùng ăn cơm hoặc đi dạo, dành cho người già ở viện dưỡng lão tối thiểu 10 giờ/tháng.
“Không có giới hạn về độ tuổi tuyển dụng, nhưng chúng tôi đặc biệt khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia,” Cục Nội vụ quận Tân Giang nói với tờ The Paper ngày 7/8.
Trung Quốc đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng do tuổi thọ cao hơn và tỷ lệ sinh giảm.
Nhà ở cũng trở nên quá đắt đối với hầu hết những người trẻ tuổi ở các thành phố lớn trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm chạp, với 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ gia nhập lực lượng lao động của Trung Quốc trong năm nay.
Theo số liệu thống kê của chính phủ, số người trên 65 tuổi tại Trung Quốc đã tăng từ 200 triệu người năm 2021 lên 209, 78 triệu người vào năm 2022, chiếm 14,9% dân số. Cũng theo các dự báo chính thức, ước tính khoảng 400 triệu người ở Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi vào năm 2035, chiếm 30% dân số.
Trước Trung Quốc, các viện dưỡng lão tại Mỹ và Canada cũng đã có những đề xuất tương tự. Một viện dưỡng lão ở Cleveland, bang Ohio (Mỹ) đã cung cấp phòng miễn phí cho sinh viên âm nhạc và nghệ thuật tại các học viện gần đó để họ đến trình diễn độc tấu thường xuyên và tham gia các lớp trị liệu nghệ thuật cho người cao tuổi.
Tuy nhiên, Yang Fan, phó Giáo sư về chính sách xã hội tại Trường Quan hệ Công chúng và Quốc tế tại Đại học Giao thông Thượng Hải, cho biết việc nhân rộng và quảng bá một mô hình tương tự có thể là một thách thức. “Nó có thể hoạt động như một dự án thí điểm mang tính đổi mới và cục bộ, nhưng việc quảng bá nó trên quy mô lớn hơn là không khả thi. Chương trình có thể gặp trở ngại đáng kể ngay từ bước đầu tiên”, Phó Giáo sư Yang nhận định.
Ông Yang chỉ ra chính quyền địa phương cấp tỉnh ở Trung Quốc cung cấp các khoản trợ cấp đặc biệt cho số lượng các giường trong viện dưỡng lão. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không còn ngân sách cấp chỗ ở cho những người trẻ vì chương trình sẽ không vượt qua các yêu cầu kiểm toán. Bên cạnh đó, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi cũng trở nên thận trọng hơn sau đại dịch COVID-19 do nguy cơ lây nhiễm.
Cao Yanchun, giáo sư quản lý công tại Khoa Kinh tế và Quản lý tại Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc, cho biết sự hỗ trợ của chính quyền trung ương đối với mô hình này có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho dự án ở quy mô lớn hơn.
“Chính phủ có thể đưa ra quyết định chính thức, trợ cấp và giám sát theo quy định. Tất cả những điều này có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững của mô hình này”, Giáo sư Cao giải thích.