Ai sẽ chăm sóc người già ở Trung Quốc với đồng lương hưu ít ỏi là một trong những vấn đề đau đầu nhất mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phải đối mặt khi ứng phó trước cuộc suy thoái nhân khẩu học đầu tiên của đất nước kể từ Cách mạng Văn hóa.
Chính phủ nước này đã huy động các nguồn lực để đảm bảo rằng các nhóm tuổi dễ bị tổn thương sẽ được chăm sóc trong bối cảnh xã hội già đi. Năm 2020, Trung Quốc ghi nhận công dân từ 65 tuổi trở lên chiếm 13,5% dân số, so với 8,87% vào năm 2010.
“Thúc đẩy xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chiến lược quốc gia tích cực ứng phó với già hóa dân số và đạt được sự bình đẳng hóa các dịch vụ công cơ bản”, hãng thông tấn Tân Hoa đăng ban hành của chính phủ ngày 21/5.
Chính phủ yêu cầu tất cả các tỉnh thực hiện theo danh sách các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản, dựa trên các yếu tố như mức độ phát triển kinh tế và xã hội và tình hình tài chính.
Các dịch vụ bao gồm hỗ trợ vật chất, điều dưỡng và chăm sóc. Các tỉnh phải cung cấp dịch vụ thăm nom và chăm sóc người già neo đơn và các gia đình gặp khó khăn về tài chính.
Chính sách một con của Trung Quốc trong giai đoạn 1980-2015 đã đẩy quốc gia tỷ dân này vào tình cảnh ngày càng có nhiều người già sống một mình.
Các nhà dưỡng lão đắt đỏ nằm ngoài tầm với của nhiều người già, trong khi các cơ sở chăm sóc công cộng thường không phù hợp với điều kiện sống, để lại một khoảng trống trên thị trường về nơi ở dành cho người về hưu chất lượng với giá cả phải chăng.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc dự đoán số người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ mức 280 triệu hiện nay lên 400 triệu vào năm 2035. Các nhà phân tích cho biết rất có thể sẽ cần khoảng 40 triệu giường trong các cơ sở cộng đồng và viện dưỡng lão so với con số 8 triệu ít ỏi hiện giờ.
Tân Hoa Xã cho biết các cơ sở chăm sóc người cao tuổi mới được xây dựng sẽ được thực hiện theo tiêu chuẩn của chính phủ, trong khi các cơ sở cũ sẽ được cải tạo để mang lại môi trường an toàn, thuận tiện và thoải mái.
Các tỉnh cũng cần phải cải thiện dịch vụ hệ thống lương hưu cơ bản và triển khai hệ thống an ninh chăm sóc dài hạn kết nối bảo hiểm, phúc lợi và hỗ trợ.
11 trong số 31 khu vực pháp lý cấp tỉnh của Trung Quốc đang bị thâm hụt ngân sách lương hưu. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc do nhà nước điều hành dự báo hệ thống hưu trí sẽ cạn tiền vào năm 2035.