Cơ quan của LHQ cũng kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về khẩu trang và khẩu trang y tế có thể tái sử dụng cũng như vaccine, chẩn đoán và điều trị thế hệ tiếp theo "để kiểm soát lâu dài đại dịch".
Theo tuyên bố của Ủy ban trên, việc sử dụng khẩu trang, giữ cự ly giãn cách, vệ sinh tay và cải thiện hệ thống thông gió của các không gian trong nhà vẫn là chìa khóa để giảm lây truyền virus SARS-CoV-2. Ủy ban cũng cho biết đại dịch kéo dài đang khiến tình trạng khẩn cấp nhân đạo, di cư hàng loạt và các cuộc khủng hoảng khác trở nên phức tạp hơn. Do đó, các quốc gia nên sửa đổi các kế hoạch chuẩn bị và ứng phó của mình.
WHO cũng lo ngại về những thách thức của châu Phi trong việc giải quyết đại dịch, bao gồm khả năng tiếp cận vaccine, xét nghiệm và điều trị, cũng như thu thập và phân tích dữ liệu để theo dõi diễn biến của đại dịch. Theo số liệu, chỉ có 14 liều vaccine đã được tiêm trên 100 người dân ở châu Phi. Con số đó là 128 liều ở Mỹ và Canada; 113 ở châu Âu; 106 ở Mỹ Latinh và Caribe; 103 ở châu Đại Dương; 102 ở châu Á; và 78 ở Trung Đông.
Ủy ban khẩn cấp của WHO gồm 19 thành viên họp ba tháng một lần để thảo luận về đại dịch và đưa ra các khuyến nghị. Ngày 30/1/2020, lần đầu tiên Ủy ban công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) đối với đại dịch COVID-19, đây là mức báo động cao nhất mà WHO có thể cảnh báo. Ủy ban cũng kêu gọi các quốc gia công nhận tất cả các loại vaccine đã được WHO cho phép sử dụng khẩn cấp.