WHO kêu gọi mở cửa biên giới bất chấp lo ngại về biến thể Omicron

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến khích các quốc gia mở cửa biên giới, bất chấp lo ngại về biến thể siêu đột biến Omicron vừa được phát hiện.

Chú thích ảnh
Sân bay Schiphol ở Hà Lan, nơi phát hiện ra 61 người bay về từ Nam Phi mắc COVID-19. Ảnh: Reuters

Theo đài RT, WHO cho rằng tránh đóng cửa biên giới sẽ ngăn chặn áp lực đè nặng lên cuộc sống và sinh kế của mọi người. WHO cảnh báo nếu áp đặt các biện pháp phòng chống dịch, các biện pháp này cần tránh gây xáo trộn mạnh không cần thiết.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, nói: “COVID-19 liên tục tận dụng sự chia rẽ của chúng ta. Chúng ta sẽ chỉ giành lợi thế trước virus nếu chúng ta cùng nhau tìm giải pháp”.

Bình luận trên được đưa ra sau khi hàng loạt quốc gia cấp nhập cảnh với hành khách từ Nam Phi và một số nước châu Phi để ngăn chặn biến thể Omicron. 

Trong khi đó, ngày 28/11, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố ông vô cùng thất vọng trước việc một số nước quyết định áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ một số quốc gia miền Nam châu Phi, bao gồm cả Nam Phi. Ông Ramaphosa nhấn mạnh lệnh cấm là phi lý và không công bằng đối với Nam Phi nói riêng và các nước khu vực miền Nam châu Phi nói chung. Ông cho rằng việc cấm đi lại không có cơ sở khoa học, cũng như sẽ không hiệu quả trong việc ngăn chặn biến thể này. Điều duy nhất mà lệnh cấm này mang lại là sẽ gây ra thiệt hại nặng nề hơn nữa cho nền kinh tế của các nước bị ảnh hưởng, đồng thời làm suy yếu khả năng ứng phó và phục hồi sau đại dịch.

Hiện tại, những nước đã áp dụng các hạn chế đi lại đối với một số nước châu Phi gồm có Vương quốc Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka, Oman, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Seychelles, Brazil, Guatemala, cùng một số quốc gia và cùng lãnh thổ khác.

Tổng thống Nam Phi tuyên bố lệnh cấm này hoàn toàn không chính đáng so với cam kết mà nhiều nước trong số các quốc gia đang áp dụng đã đưa ra tại cuộc họp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Rome (Italy) tháng 10 vừa qua. Ông nói: “Tại cuộc họp đó, họ đã cam kết sẽ khởi động lại du lịch quốc tế một cách an toàn và có trật tự, phù hợp với quy định của các tổ chức quốc tế”.

Tổng thống Ramaphosa kêu gọi tất cả các quốc gia đã áp dụng lệnh cấm đi lại khẩn trương đảo ngược quyết định và dỡ bỏ lệnh cấm trước khi có thêm bất kỳ thiệt hại nào đối với nền kinh tế và sinh kế của người dân các nước châu Phi. Ông cũng cho biết Nam Phi sẽ tiếp tục làm việc với WHO để được hướng dẫn về việc tổ chức đi lại an toàn, trong bối cảnh cơ quan y tế toàn cầu này cũng đưa ra khuyến cáo phản đối việc đóng cửa biên giới.

Theo Tổng thống Ramaphosa, giống như hầu hết các quốc gia khác, Nam Phi có đầy đủ phương tiện để kiểm soát nguy cơ lây lan các biến thể sang các quốc gia khác, bao gồm yêu cầu khách du lịch xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và đeo khẩu trang suốt quá trình di chuyển.

Tổng thống Nam Phi cũng kêu gọi: “Thay vì cấm đi lại, các quốc gia giàu có trên thế giới cần hỗ trợ nỗ lực của các nền kinh tế đang phát triển trong việc tiếp cận và sản xuất đủ liều vaccine cho người dân của họ ngay lập tức”. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Biến thể Omicron khiến các sân bay Nam Phi hỗn loạn
Biến thể Omicron khiến các sân bay Nam Phi hỗn loạn

Hành khách đang chật vật tìm chuyến bay quốc tế rời Nam Phi sau khi mối lo ngại về biến thể Omicron khiến hàng loạt quốc gia dừng nhập cảnh người đến từ khu vực đầu tiên phát hiện biến thể mới này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN