Đây là lần thứ tư WHO phải đình chỉ một chuyến hàng cung cấp thuốc và trang thiết bị y tế khẩn cấp đến bệnh viện Al-Awda và kho thuốc trung tâm ở phía Bắc Gaza kể từ ngày 26/12.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X, Văn phòng WHO tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng nêu rõ đã 12 ngày WHO chưa tiếp cận được phía Bắc Gaza. Các cuộc tấn công dữ dội, hạn chế đi lại và liên lạc gián đoạn khiến WHO gần như không vận chuyển được thuốc men định kỳ và an toàn tại Gaza, đặc biệt ở miền Bắc.
WHO dự kiến chuyển hàng cứu trợ y tế nhằm duy trì hoạt động của 5 bệnh viện tại phía Bắc Gaza.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ sự đau buồn trước quy mô nhu cầu y tế và sự tàn phá ở phía Bắc Gaza. Việc trì hoãn cung cấp thuốc men có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn.
Trong các tuyên bố riêng rẽ, Ủy ban cứu trợ quốc tế cho biết nhóm y tế khẩn cấp và tổ chức từ thiện Cứu trợ y tế cho người Palestine buộc phải rút và ngừng hoạt động tại bệnh viện Al Aqsa ở khu vực trung tâm Gaza do xung đột leo thang.
Trong khi đó, trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông kéo dài 1 tuần, ngày 8/1, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã tiếp xúc và có thêm các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Arab. Đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy ngoại giao nhằm ngăn cuộc xung đột ở Dải Gaza lan rộng.
Tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Blinken đã gặp Quốc vương Abu Dhabi Sheikh Mohammed Bin Zayed Al Nahyan và dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cũng trong ngày 8/1 tại thành phố Al Ula, trước khi lên đường sang Israel.
Trước đó, ngày 7/1, ông Blinken đã đến Jordan và Qatar, tìm cách tái đảm bảo với các nhà lãnh đạo Arab rằng Mỹ phản đối việc di dời người Palestine khỏi Gaza, thay vào đó muốn các nước láng giềng của Israel đóng vai trò trong việc quản lý Dải Gaza trong tương lai.