Phát biểu trực tuyến tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Peeperkorn cho biết: “Tôi thực sự muốn nói rằng kế hoạch dự phòng này chỉ là biện pháp hỗ trợ tạm thời, và hoàn toàn không ngăn chặn được thương vong và bệnh tật mà một hoạt động quân sự có thể gây ra”.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công Rafah, bất chấp sự phản đối của Mỹ và nhiều nước, cùng như việc có hay không có thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.
Cùng ngày, người phát ngôn Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), ông Jens Laerke cảnh báo một cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ khiến cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân Gaza gặp nguy hiểm và là một đòn giáng mạnh vào các hoạt động nhân đạo của toàn bộ khu vực.
Phát biểu họp báo tại Geneva, ông Laerke khẳng định: “Đây có thể là cuộc thảm sát thường dân và là đòn giáng mạnh vào hoạt động nhân đạo trên toàn Gaza”.