Theo WHO, thêm hàng chục nghìn tấn rác thải y tế đang gia tăng sức ép lên các hệ thống xử lý rác thải, đe dọa đến sức khỏe con người lẫn môi trường. Thực trạng đó dẫn đến yêu cầu bức thiết cần cải thiện các hệ thống trên cũng như có hành động kịp thời từ cả các chính phủ lẫn người dân.
Tiến sĩ Margaret Montgomery, chuyên gia kỹ thuật của WHO về nước sạch, vệ sinh và y tế nhấn mạnh: "Một phần của thông điệp đến công chúng là hãy trở thành một người tiêu dùng có ý thức hơn. Chúng tôi thấy mọi người đang sử dụng quá mức các trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE)". WHO cho biết phần lớn trong khoảng 87.000 tấn PPE sử dụng trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 11/2021 để chống dịch COVID-19 đã trở thành rác thải. Hơn 8 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu tạo ra thêm 143 tấn rác thải dưới dạng ống tiêm, kim tiêm và hộp đựng.
Tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, lưu ý: "Dĩ nhiên chúng ta cần bảo vệ hết sức các nhân viên y tế bằng những trang thiết bị tốt nhất hiện có. Nhưng cũng cần bảo đảm về việc sử dụng hợp lý, an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh".
Tiến sĩ Anne Woolridge của Hiệp hội xử lý chất thải rắn quốc tế đánh giá rằng sử dụng hợp lý các trang thiết bị bảo hộ cá nhân sẽ giảm tác hại đến môi trường, tiết kiệm tiền bạc, giảm sức ép lên nguồn cung cũng như giúp ngăn ngừa lây nhiễm qua việc thay đổi hành vi.
WHO đã đưa ra những khuyến nghị như sử dụng bao bì, vận chuyển theo cách thức thân thiện với môi trường, phát triển các nguyên vật liệu có thể tái chế...Bên cạnh đó, WHO kêu gọi đầu tư vào các công nghệ xử lý chất thải không đốt.
Hiện khoảng 30% cơ sở y tế toàn cầu và 60% ở các nước kém phát triển nhất không được trang bị để xử lý lượng chất thải hiện có, ngay cả từ trước khi đại dịch COVID-19 khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.