Trong tuyên bố của mình, WHO cho biết hai ca bệnh đã được xác định ở Kajo-keji, một vùng giáp ranh với Uganda, nơi đầu năm nay đã bùng phát dịch sốt xuất huyết.
WHO cảnh báo tình trạng lây nhiễm sốt vàng da hiện nay và sắp tới là đáng lo ngại tại Nam Sudan do dòng người sơ tán trở về từ nước láng giềng Uganda, thiếu giám sát và sự yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Nam Sudan, các hạn chế đi lại vốn đang áp dụng vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, và mùa mưa sắp tới, mùa thuận lợi cho sinh sản của muỗi truyền virus.
Dịch sốt vàng da là một nguy cơ tại Nam Sudan vì tỷ lệ miễn dịch trên tổng dân số là không đáng kể. Con số này là gần 0% tại Kaji-keji. Để ứng phó với dịch, Bộ Y tế Nam Sudan phối hợp với WHO, đã lên kế hoạch phát động một chiến dịch tiêm phòng ứng phó tại khu vực bị ảnh hưởng, và đề nghị thực hiện các chương trình tiêm phòng hàng loạt vào năm 2022.
Nam Sudan từng chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch sốt vàng da trong vài năm qua. Tồi tệ nhất là đợt tháng 5/2003, làm tổng cộng 178 người nhiễm và 27 người tử vong tại vùng Imatong.