Phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn nghiên cứu của WHO cho biết 5 quốc gia gồm CHDC Congo, Ethiopia, Nigeria, Nam Phi và Tanzania có mức tổn hại lớn nhất khi chiếm gần 50% con số nói trên.
Nghiên cứu của WHO cho thấy các bệnh không lây nhiễm đã vượt qua các bệnh truyền nhiễm, trở thành nguyên nhân làm giảm thời gian sống khỏe của người châu Phi, gây ra 37% gánh nặng bệnh tật.
Các yếu tố khác làm giảm thời gian sống khỏe của người dân khu vực này còn có các bệnh về truyền nhiễm và ký sinh trùng, các điều kiện liên quan đến bà mẹ, trẻ sơ sinh, dinh dưỡng và chấn thương.
WHO đánh giá sức khỏe giảm sút do bệnh tật đã gây thiệt hại khoảng 47% năng suất lao động, tương đương 796 tỷ USD. WHO chỉ rõ điều này có thể phòng ngừa vào năm 2030 nếu các nước châu Phi đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc (LHQ) liên quan đến các điều kiện sức khỏe .
Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, Tiến sĩ Matshidiso Moeti cho biết sau 4 năm nỗ lực hướng tới bảo hiểm y tế phổ cập, tỷ lệ ngân sách khu vực dành cho y tế chưa đáp ứng nhu cầu. Bà khẳng định để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe, các nước châu Phi phải đầu tư tương xứng vào việc phát triển các hệ thống y tế quốc gia và địa phương nhằm cung cấp các gói bảo hiểm tổng hợp mang tính hiệu lực, hiệu quả, phù hợp điều kiện sống của người dân, nhất là các chiến lược, kế hoạch mang tính hệ thống toàn cầu hướng đến bộ phận dân cư đang thực sự có nhu cầu.
Mục tiêu thứ 3 của SDGs về bảo hiểm y tế phổ cập của LHQ khuyến nghị các nước thành viên châu Phi phải chi trung bình ít nhất khoảng 271 USD/người/năm hoặc 7,5% tổng GDP của lĩnh vực cho y tế.