Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức như khủng hoảng khí hậu, căng thẳng kinh tế toàn cầu, những tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga - Ukraine....
Các phiên họp dự kiến sẽ xoay quanh chủ đề về thực tế xu hướng toàn cầu hóa, tác động của căng thẳng thương mại và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngoài ra, những tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu và chính sách quốc phòng được cho là một trong những nội dung đang quan tâm.
Hội nghị WEF Davos năm nay có chủ đề "Hợp tác trong một thế giới phân mảnh". Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đối đầu kinh tế - chính trị gia tăng và xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn, xu hướng toàn cầu hóa có thể đang dần bị thế chỗ. Cựu Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende nhận định hội nghị lần thứ 53 sẽ diễn ra trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, bà Karen Harris, chuyên gia kinh tế của công ty tư vấn Bain & Company, cho rằng thế giới đang bước sang giai đoạn mới, khi xu hướng toàn cầu hóa không còn tồn tại như trước đây.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thuộc số những nhân vật nổi bật nhất tham dự diễn đàn năm nay, cùng với gần 400 bộ trưởng chính phủ và các nhà hoạch định chính sách, 600 giám đốc điều hành và một số người nổi tiếng.
WEF là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, đại diện các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hằng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề kinh tế - phát triển và thời sự toàn cầu.