Giám đốc phụ trách hoạt động cứu trợ của WB Axel van Trotsenburg đã đưa ra thông báo trên trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng Reuters khi thực hiện chuyến thăm thủ đô Sarajevo của Bosnia-Herzegovina.
Theo ông Trotsenburg, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này, vốn là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt của thế giới, dẫn tới tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu. Đây là một trong những lý do khiến WB sẵn sàng viện trợ tài chính tới 30 tỷ USD để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới trong vòng 12 tháng tới.
Riêng đối với Ukraine, ông Trotsenburg cho biết đến nay, WB đã giải ngân gần 10 tỷ trong số 13 tỷ USD mà thể chế tài chính này đã cam kết viện trợ cho Ukraine. WB đang hỗ trợ người dân Ukraine ở trong và ngoài nước, cũng như những nước láng giềng của Ukraine và những nước đang phát triển không thuộc châu Âu đang chịu tác động của tình trạng gián đoạn xuất khẩu ngũ cốc.
Trước đó, ngày 13/9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xác nhận kế hoạch mở rộng viện trợ khẩn cấp cho những quốc gia bị ảnh hưởng của giá lương thực tăng cao và tình trạng thiếu lương thực do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, kế hoạch sẽ cho phép IMF cung cấp hỗ trợ tài chính khẩn cấp bổ sung và vô điều kiện tới các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề cuộc khủng hoảng lương thực và lạm phát toàn cầu sau đại dịch COVID-19.
Giá lương thực - vốn đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát - đã tăng vọt trên toàn thế giới do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, giá lương thực bắt đầu giảm sau khi Nga và Ukraine ký thỏa thuận tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), với vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm dỡ bỏ phong tỏa các cảng của Ukraine và nối lại vận chuyển thực phẩm, cũng như phân bón từ các cảng của Ukraine đến thị trường quốc tế qua Biển Đen.