Trong thông báo ngày 29/9, người phát ngôn WB cho biết thể chế tài chính đa phương này đã thực hiện nhiều chương trình ứng phó khẩn cấp tại 111 quốc gia. Nếu được thông qua, số tiền trên sẽ dành cho các nước có thu nhập trung bình và thấp với thời gian giải ngân trong vòng 12 - 18 tháng. Theo ông này, một loại vaccine an toàn và hiệu quả ngừa COVID-19 là cách triển vọng nhất để thế giới có thể mở cửa trở lại một cách an toàn. Nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi đầy đủ cho đến khi mọi người đều cảm thấy có thể sống, hòa nhập xã hội, làm việc và đi lại một cách tự tin.
Mặc dù phần lớn các ứng cử viên vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng Chủ tịch WB David Malpass cho rằng "tiến trình phân phối vaccine là khá phức tạp". Ông cho biết:" Chúng tôi muốn rằng các nước nghèo nhất có thể được tiếp cận với vaccine, và tại các nước này, chúng tôi muốn những người dễ bị tổn thương nhất và các nhân viên y tế sẽ được tiêm phòng ngừa đầu tiên".
Theo ông Malpass, WB đã tiến hành nhiều chương trình tiêm chủng như chương trình phòng bệnh bại liệt và sởi, cũng như có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng dịch bệnh như dịch Ebola. Trong các tháng 4 - 6 vừa qua, WB đã giải ngân một số tiền tài trợ kỷ lục 45 tỷ USD khi nền kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.
Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan Viện trợ nước ngoài của Hàn Quốc (KOICA) cùng ngày thông báo sẽ hỗ trợ 18 triệu USD cho một cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách việc thực thi các dự án phát triển nhằm cung cấp các trang thiết bị vật tư y tế liên quan đến COVID-19 và phân phát cho các nước đang phát triển ở Đông Nam Á và châu Phi.
KOICA cho biết đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Văn phòng Các dịch vụ dự án của LHQ (UNOPS) nhằm tham gia chương trình hỗ trợ khẩn cấp của cơ quan này cho các nước đang phát triển bị ảnh hưởng của dịch và đang rất cần các nguồn cung y tế. Theo MOU, số tiền trên sẽ được chi cho việc hỗ trợn các bộ xét nghiệm PCR, máy trợ thở và các thiết bị bảo hộ như khẩu trang... đến 7 quốc gia gồm Indonesia, Campuchia, Việt Nam, Lào, Myanmar, Uzbekistan và Ethiopia - và Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch châu Phi.