Washington và Kiev lần đầu trình Liên hợp quốc hai nghị quyết đối lập về hành động của Nga

Kiev đã từ chối Mỹ về việc rút lại dự thảo nghị quyết vốn được châu Âu ủng hộ tại Liên hợp quốc, yêu cầu Liên bang Nga lập tức rút quân khỏi Ukraine.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) và Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh ghép từ ảnh do TTXVN phát

ABC News ngày 24/2 dẫn tiết lộ của một quan chức Mỹ và một nhà ngoại giao châu Âu cho biết Mỹ đã gây áp lực buộc Ukraine rút lại nghị quyết tại Liên hợp quốc vốn được Âu ủng hộ, trong đó yêu cầu Liên bang Nga lập tức rút quân khỏi Ukraine, để ủng hộ một đề xuất của Mỹ không đề cập đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva (Moscow).

Tuy nhiên, theo hai nhà ngoại giao châu Âu, Ukraine đã từ chối rút lại dự thảo nghị quyết của mình, và Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu về nghị quyết này vào ngày 24/2, theo giờ địa phương, nhân dịp kỷ niệm ba năm ngày Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (24/2/2022 - 24/2/2025).

Sau đó, theo các nhà ngoại giao và quan chức Mỹ, những người yêu cầu giấu tên vì các cuộc đàm phán riêng tư vẫn đang diễn ra, Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 quốc gia dự kiến sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết của Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang tìm kiếm một cuộc bỏ phiếu về đề xuất của mình tại Hội đồng Bảo an – cơ quan quyền lực hơn ở Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc, nước giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng này, đã lên lịch một cuộc bỏ phiếu về nghị quyết của Mỹ vào chiều thứ 24/2.

Sự xuất hiện của hai nghị quyết đối lập – lần đầu tiên kể từ khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine – đã làm nổi bật căng thẳng giữa Mỹ, Ukraine và các quốc gia châu Âu trong năm tuần kể từ khi ông Donald Trump chính thức trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.

Trước đó, ông Trump đã thúc đẩy các cuộc đàm phán với Liên bang Nga sau nhiều năm nước này bị cô lập, nhằm tìm kiếm một giải pháp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine khiến các nhà lãnh đạo châu Âu thất vọng khi mà cả họ và Kiev đều bị loại khỏi các cuộc đàm phán về Ukraine giữa Mỹ và Liên bang Nga ở Saudi Arabia vào ngày 18/2 vừa qua.

Đại hội đồng đã trở thành cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về vấn đề Ukraine vì Hội đồng Bảo an, cơ quan chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, được cho là bị tê liệt do quyền phủ quyết của Liên bang Nga.

Đại hội đồng không có quyền phủ quyết và các cuộc bỏ phiếu của cơ quan này được theo dõi sát sao như một thước đo quan điểm toàn cầu. Tuy nhiên, các nghị quyết của Đại hội đồng không có tính ràng buộc pháp lý như các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Kể từ khi quân đội Liên bang Nga vượt biên giới Ukraine vào ngày 24/2/2022, Đại hội đồng đã thông qua khoảng nửa tá nghị quyết lên án chiến tranh và yêu cầu Liên bang Nga lập tức rút quân khỏi Ukraine.

Các cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ của thế giới đối với cuộc chiến vốn đã kéo dài 3 năm và các cuộc bỏ phiếu về hai nghị quyết đối lập vào chiều 24/2 sẽ được theo dõi chặt chẽ để đánh giá xem sự ủng hộ đó có suy giảm hay không – đồng thời đo lường mức độ ủng hộ đối với nỗ lực của ông Trump nhằm nhanh chóng chấm dứt chiến tranh.

Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết đã có sự vận động hành lang và gây sức ép mạnh mẽ đối với các nghị quyết đối lập. Quan chức Mỹ cho biết Washington đang cố gắng thuyết phục Ukraine và các nước châu Âu từ bỏ dự thảo của họ. Động thái này diễn ra khi ông Trump dự kiến đón tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Washington vào ngày 24/2.

Trong tuyên bố vào tối 21/2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh Washington tin “đây là thời điểm để cam kết chấm dứt chiến tranh. Đây là cơ hội để chúng ta tạo ra động lực thực sự hướng tới hòa bình”.

Ông Rubio nói rằng “mặc dù có thể phát sinh thách thức, nhưng mục tiêu đạt được hòa bình lâu dài vẫn có thể thực hiện được” và rằng nghị quyết sẽ “khẳng định rằng cuộc xung đột này là khủng khiếp, rằng Liên hợp quốc có thể giúp chấm dứt nó, và rằng hòa bình là điều có thể”.

Nghị quyết của Ukraine, do Liên minh châu Âu gồm 27 quốc gia đồng bảo trợ, đề cập đến cuộc chiến toàn diện của Liên bang Nga tại Ukraine và nhắc lại sự cần thiết phải thực hiện tất cả các nghị quyết trước đây của Đại hội đồng được thông qua để đối phó với hành động chống lại Ukraine.

Nghị quyết này nhấn mạnh yêu cầu của Đại hội đồng rằng Liên bang Nga “phải ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện rút toàn bộ lực lượng quân sự của mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận” và yêu cầu chấm dứt ngay lập tức mọi hành động thù địch.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng kêu gọi “giảm leo thang, sớm chấm dứt các hành động thù địch và giải quyết hòa bình cuộc chiến chống lại Ukraine”.

Trong khi đó, dự thảo nghị quyết rất ngắn của Mỹ chỉ thừa nhận “tổn thất nhân mạng thảm khốc trong suốt cuộc xung đột Nga-Ukraine” và “khẩn thiết kêu gọi chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột, đồng thời thúc giục một nền hòa bình bền vững giữa Ukraine và Liên bang Nga”. Nghị quyết này không hề đề cập đến cuộc chiến của Moskva chống lại Kiev

Đại sứ Liên bang Nga tại Liên hợp quốc, Vassily Nebenzia, tuần trước nói với các phóng viên rằng nghị quyết của Mỹ là “một bước đi tốt.”

Liên bang Nga cũng đề xuất một sửa đổi, nhằm thêm cụm từ “bao gồm việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nó,” để câu cuối cùng của nghị quyết Mỹ sẽ đọc thành: “khẩn thiết kêu gọi chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột, bao gồm việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nó, đồng thời thúc giục một nền hòa bình bền vững giữa Ukraine và Liên bang Nga”.

Thành Nam/Báo Tin tức
Tuyên bố rõ ràng của BTQP Mỹ khi xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 4
Tuyên bố rõ ràng của BTQP Mỹ khi xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 4

Trước thềm xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 4 (24/2/2022 - 24/2/2025), Bộ trưởng Quốc phòng (BTQP) Mỹ Pete Hegseth khẳng định sẽ không có binh sĩ Mỹ nào được triển khai đến Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN