Báo The Kyiv Independent của Ukraine ngày 20/2 cho biết các binh sĩ nước này đã than phiền về chất lượng đạn dược nội địa kém và điều này báo hiệu một viễn cảnh không mấy sáng sủa cho nỗ lực chống lại các lực lượng Liên bang Nga nếu không có viện trợ vũ khí từ nước ngoài. Việc nguồn cung vũ khí từ Mỹ có nguy cơ bị cắt giảm đang đẩy ngành sản xuất vũ khí non trẻ của Ukraine đến bờ vực chịu áp lực quá tải.
Khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đàm phán với phía Liên bang Nga, người Ukraine lo sợ rằng họ sẽ bị loại khỏi các cuộc thương lượng và bị cắt đứt nguồn hỗ trợ từ Mỹ, bao gồm cả viện trợ vũ khí.
Mặc dù Ukraine đang đặt cược lớn vào việc tự sản xuất vũ khí, triển vọng để họ duy trì chiến tranh một cách độc lập với các lực lượng Liên bang Nga là rất ảm đạm. Những cải tiến sáng tạo trên tiền tuyến, như về thiết bị bay không người lái hay trong chiến tranh điện tử, vẫn chưa thể tạo được ưu thế khi mà các nhà máy của Liên bang Nga vẫn ùn ùn cung cấp xe tăng, súng cối, tên lửa và mìn cho chiến trường. Đáng chú ý, các thiết bị bay không người lái của Liên bang Nga cũng không hề kém cạnh so với các sản phẩm của Ukraine.
Về khí tài bọc thép, Ukraine vẫn phải sửa chữa các phương tiện thời Liên Xô cũ. Quân đội Ukraine vẫn cần nguồn cung ổn định từ phương Tây đối với tên lửa tầm xa và hệ thống phòng không chính xác. Những thất bại kéo dài trong lĩnh vực chế tạo pháo cho thấy ngành công nghiệp vũ khí của Ukraine chưa thể sản xuất hàng loạt các loại vũ khí cơ bản.
Trước viễn cảnh không mấy sáng sủa ấy, trong một phát biểu trên NBC News ngày 15/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phải thừa nhận rằng Ukraine có “rất ít cơ hội sống sót” nếu không có vũ khí từ Mỹ.
Xem video binh sĩ Ukraine điều khiển thiết bị bay không người lái sản xuất trong nước. Nguồn: Bộ Quốc phòng Ukraine/X
Khủng hoảng sản xuất vũ khí nội địa của Ukraine
Kể từ khi quân đội Liên bang Nga tiến vào Ukraine ngày 24/2/2022 trong hành động mà Moskva (Moscow) gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Ukraine đã đẩy mạnh sản xuất vũ khí trong nước. Phát biểu với Piers Morgan tháng trước, Tổng thống Zelensky cho biết hiện 40% vũ khí Ukraine sử dụng là do nước này sản xuất, so với chỉ 10% vào thời điểm Moskva bắt đầu cuộc chiến toàn diện chống Kiev.
Một trong những lợi thế lớn nhất của Liên bang Nga ngay từ đầu cuộc chiến là pháo binh, đặc biệt là súng cối – sự chênh lệch mà Ukraine đã nỗ lực cân bằng.
Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine, Herman Smetanin, cho biết Ukraine đã tự sản xuất 50% đạn pháo trong năm 2024 và dự kiến năm 2025 sẽ “tự sản xuất hầu hết mọi thứ chúng tôi sử dụng”. Người tiền nhiệm của ông, Alexander Kamyshin, từng tuyên bố vào tháng 9 năm ngoái rằng Ukraine đã bắt đầu sản xuất đạn pháo cỡ 155mm - chuẩn NATO, thay vì cỡ 152mm theo tiêu chuẩn Liên Xô.
Nhưng vấn đề rất đơn giản, theo lời của Roman “Cat” Kotliarov, một quân nhân thuộc lực lượng pháo binh Ukraine, hiện đang đóng quân tại Kharkiv, gần biên giới với Liên bang Nga, là “những quả đạn đó (các loại đạn cối do Ukraine sản xuất) không tốt”.
“Nếu bạn nói về đạn cối do Ukraine tự sản xuất thì chúng có chất lượng rất thấp. Tôi không thích sử dụng chúng”, Kotliarov nói với The Kyiv Independent. Hiện tại, khoảng 70% đạn dược mà quân nhân này và đồng đội nhận được là sản phẩm nội địa của Ukraine, nhưng kíp chiến đấu gồm 4 người họ rất lo sợ khi sử dụng chúng.
“Lần gần đây nhất tôi chứng kiến các đồng đội chiến đấu, họ đặt một quả đạn vào súng cối. Nó phát nổ và rơi xuống ngay cách họ có 5 mét”, Kotliarov kể lại và cho biết: “Điều đó rất nguy hiểm. Tạ ơn trời, đồng đội tôi vẫn sống sót”.
Một loạt cuộc điều tra gây bẽ bàng của kênh thông tin Suspilne đã buộc Bộ Công nghiệp Chiến lược Ukraine phải thu hồi khoảng 30.000 quả đạn cối bị lỗi vào tháng 1 vừa qua. Ngoài vấn đề kỹ thuật kém, các báo cáo của Suspilne còn gợi ý rằng có sự thất thoát thuốc súng dọc theo chuỗi cung ứng. Những câu chuyện như của quân nhân Kotliarov cho thấy tình trạng đạn lỗi vẫn tiếp tục gây nguy hiểm cho các binh sĩ đang ngăn chặn các cuộc tấn công của quân đội Liên bang Nga.
Hiện tại, nguồn cung cấp đạn cối hoạt động tốt vẫn phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ quốc tế.
“Mỹ, Ba Lan, Italy – chúng tôi thậm chí còn nhận được đạn cối từ Ấn Độ. Đạn từ nước ngoài vẫn tạm ổn. Nhưng đạn do Ukraine sản xuất, thứ mà tổng thống của tôi đã chi rất nhiều tiền thì chúng lại là đồ bỏ đi”, quân nhân Kotliarov nói.
Quân đội Ukraine vẫn đang sử dụng nhiều loại vũ khí từ thời Liên Xô. Xem video quân đội Ukraine sử dụng pháo phản lực bắn loạt tự hành cỡ nòng 122 mm BM-21 "Grad". Nguồn: Bộ Quố phòng Ukraine/X
Thực tế đáng lo ngại
Một binh sĩ khác, có biệt danh “Artem”, từng phục vụ hơn hai năm rưỡi trên tiền tuyến trước khi được điều về văn phòng ở Kiev, cũng chỉ trích tình trạng sản xuất đạn cối trong nước.
“Chiếc súng cối duy nhất do Ukraine sản xuất mà tôi từng sử dụng là làm ở Sumy vào năm 1942” và “nặng khoảng 800kg”, Artem nói với The Kyiv Independent. Theo Artem, điều này trái ngược với các tuyên bố của chính phủ còn trên thực tế, tình hình vẫn không được cải thiện.
Vấn đề đạn cối chỉ là một trong nhiều ví dụ về thực trạng sản xuất vũ khí truyền thống của Ukraine.
Về xe bọc thép và xe tăng, việc sản xuất trong nước chủ yếu chỉ dừng lại ở việc tân trang lại các phương tiện thời Liên Xô. Trên thực tế, nhiều nhà sản xuất khí tài của Ukraine, như Ukrainian Armor, thậm chí đã chuyển đổi nhà máy để sản xuất đạn thay vì phương tiện chiến đấu.
Một đại diện của Bộ Công nghiệp Chiến lược từ chối bình luận về tình trạng này, chỉ nói rằng ngành sản xuất đạn là một lĩnh vực “nhạy cảm”. Trong khi đó, học giả Kateryna Bondar tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) thẳng thắn thừa nhận: “Ukraine còn một khoảng cách rất xa mới có thể tự cung tự cấp (vũ khí)” còn quân nhân Kotliarov thì thừa nhận một cách cay đắng: “Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, chúng tôi không thể sống sót”.