Washington cân nhắc khả năng ngăn Israel dùng vũ khí Mỹ ở Rafah

Lo ngại về một thảm họa nhân đạo mới, chính quyền của Tổng thống Joe Biden dường như đang cân nhắc các biện pháp ngăn chặn Israel sử dụng vũ khí Mỹ nếu nước này tấn công khu vực đông dân cư ở thành phố Rafah thuộc Dải Gaza.

Chú thích ảnh
Pháo tự hành M109 155mm của quân đội Israel được triển khai gần Sderot, giáp với Dải Gaza, ngày 27/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Washington Post ngày 6/3, Tổng thống Biden và các cố vấn cấp cao vẫn chưa đưa ra quyết định nào về việc áp đặt điều kiện sử dụng vũ khí của Mỹ. Nhưng thực tế là các quan chức Mỹ dường như đang tranh luận về bước đi cực đoan này, cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng của Mỹ về cuộc khủng hoảng ở Gaza. Điều này cũng cho thấy bất đồng sâu sắc giữa giới chức Mỹ và các nhà lãnh đạo Israel liên quan cuộc tấn công ở Rafah.

Ông Martin Indyk, cựu Đại sứ Mỹ tại Israel, bình luận: “Nếu Israel tiến hành một cuộc tấn công ở Rafah mà không bảo vệ được dân thường, điều đó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có trong quan hệ Mỹ - Israel, thậm chí liên quan đến việc cung cấp vũ khí”.

Theo thông tin của tờ Axios, ngày 4/3, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã chất vấn gay gắt về kế hoạch tấn công Rafah khi gặp riêng ông Benny Gantz - một thành viên nội các chiến tranh Israel đang đến thăm Mỹ. Ông Gantz và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đồng ý tấn công Rafah để tiêu diệt 4 tiểu đoàn Hamas ở đó.

Chính quyền Mỹ lo ngại rằng kế hoạch tấn công Rafah là nửa vời và sẽ làm tình hình vốn thảm khốc ở Gaza trở nên tồi tệ hơn mà không thể kết thúc được cuộc chiến. Các quan chức chính quyền Mỹ cho biết họ chưa thấy có kế hoạch rõ ràng nào về cách bảo vệ hơn 1 triệu người Palestine đã bị đẩy về phía Rafah dọc biên giới Ai Cập.

Theo thông tin của Nhà Trắng, trong cuộc gọi hồi tháng 2 với Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Biden nói rằng Israel không nên tấn công Rafah nếu không có kế hoạch đáng tin cậy, khả thi để đảm bảo an toàn và hỗ trợ cho hơn 1 triệu người đang trú ẩn ở đó. Các sự kiện xảy ra từ đó chỉ khiến Mỹ thêm lo ngại rằng Israel không có kế hoạch di dời an toàn tất cả những người tị nạn này và không giải quyết thỏa đáng hoàn cảnh của thường dân Palestine nói chung.

Gần đây nhất là vụ trên 100 người chết và 700 người bị thương khi chờ nhận hàng cứu trợ ở phía Bắc Gaza.

Nếu Mỹ áp đặt hạn chế trong cung cấp vũ khí cho Israel thì đây sẽ là rạn nứt rõ rệt trong mối quan hệ giữa hai nước và gây ra làn sóng phẫn nộ chính trị.

Để cấm sử dụng vũ khí Mỹ cho cuộc tấn công Rafah, Mỹ có thể sử dụng lý lẽ rằng họ đang thực hiện một bước tương tự như với Ukraine, rằng Ukraine không được dùng tên lửa tầm xa của Mỹ để nhắm vào lãnh thổ Nga.

Mới đây, Mỹ cũng đã đề nghị Israel ký thư cam kết không dùng vũ khí Mỹ để vi phạm nhân quyền.

Sau nhiều tháng hy vọng về kết quả tốt hơn ở Gaza, Mỹ đang bắt đầu lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất, hoặc ít nhất là điều có khả năng xảy ra nhất. Nỗ lực ngăn chặn thảm họa ở Rafah là một ví dụ. Ngoài ra, còn có những ví dụ khác.

Mỹ đã hy vọng giảm leo thang căng thẳng bằng kế hoạch ngừng bắn 6 tuần và trao đổi con tin trước tháng lễ Ramadan bắt đầu vào ngày 10/3 tới.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về xung đột ở Gaza, tại Nantucket, Massachusetts. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 5/3, Tổng thống Biden đã cảnh báo về tình huống rất nguy hiểm nếu Israel và Hamas không đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trước tháng lễ Ramadan. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Nếu chúng ta rơi vào hoàn cảnh mà tình hình này tiếp tục kéo dài đến tháng Ramadan, Israel và Jerusalem có thể rất, rất nguy hiểm”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng kêu gọi Hamas chấp nhận lệnh ngừng bắn ngay lập tức với Israel. Ông nói: “Chúng ta có cơ hội đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức để đưa các con tin về nhà, kết quả đó có thể làm gia tăng đáng kể lượng viện trợ nhân đạo đến với những người Palestine đang rất cần, đồng thời thiết lập các điều kiện cho một giải pháp lâu dài”.

Tuy nhiên, ngày 5/3, người đứng đầu Văn phòng chính trị của Hamas ở Liban - ông Osama Hamdan - nhấn mạnh việc trao đổi tù nhân và con tin với phía Israel chỉ có thể diễn ra sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Khi Hamas vẫn từ chối chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, chính quyền Mỹ đang cân nhắc xem phải làm gì nếu không có thỏa thuận ngừng bắn khi tháng Ramadan bắt đầu.

Một lựa chọn của Mỹ là tìm cách gây áp lực hơn nữa với Hamas thông qua các bên trung gian là Ai Cập và Qatar. Mỹ có thể ép Qatar trục xuất các đại diện của Hamas nếu họ không thuyết phục được Hamas thả con tin.

Mỹ cũng đang lên kế hoạch thực hiện một động thái đơn phương nhằm đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza bằng đường hàng không, các đoàn xe trên bộ và một bến cảng mới để dỡ các tàu chở hàng ra ngoài khơi.

Mỹ cũng thừa nhận rằng kế hoạch bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia có thể không đạt được trong năm nay, ngay cả khi cuộc chiến ở Gaza kết thúc ngày mai.

Chính phủ Israel ngày 6/3 đã khuyến cáo người dân nước này nâng cao tinh thần an ninh an toàn khi đi lại ở trong và ngoài nước trong tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 10/3 và kết thúc ngày 8/4. Thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ: "Đây là giai đoạn có ý nghĩa tôn giáo đặc biệt với người Hồi giáo. Các tổ chức khủng bố Hồi giáo coi tháng Ramadan là cơ hội để thực hiện các hành vi tấn công và bạo lực. Trong giai đoạn này, các phần tử Hồi giáo cực đoan (đặc biệt là các tổ chức thánh chiến toàn cầu như ISIS và Al-Qaeda) tăng cường kích động và kêu gọi tấn công".
Thùy Dương/Báo Tin tức
Mỹ kêu gọi Israel phối hợp tăng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza
Mỹ kêu gọi Israel phối hợp tăng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza, đồng thời cho rằng Israel cần phối hợp với các đối tác quốc tế thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân ở vùng lãnh thổ ven biển này. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN