Vùng thủ đô Manila của Philippines nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng dịch

Vùng thủ đô Manila (Philippines) đã nhất trí hạ mức cảnh báo đại dịch COVID-19 ở khu vực này xuống còn mức 1 trong thang gồm 5 mức, bắt đầu từ ngày 1/3 tới trong bối cảnh số ca mắc mới giảm dần.

Chú thích ảnh
Cảnh sát gác tại một chốt kiểm soát để nhắc nhở người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch COVID-19 ở Quezon, ngoại ô Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kế hoạch, 17 thị trưởng trong vùng thủ đô Manila sẽ thảo luận với lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19 liên cơ quan trong ngày 24/2 về các hạn chế mới được đề xuất. Hiện vùng thủ đô Manila, có trên 13 triệu người dân sinh sống, được đặt trong mức cảnh báo thứ 2 về dịch bệnh từ ngày 1/2 đến ngày 28/2.

Philippines đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát năm 2020. Nước này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong một ngày hôm 15/1/2022, với 39.004 ca. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.534 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc lên 3.655.709.

* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã cập nhật danh sách điểm đến có nguy cơ về dịch bệnh trên thế giới. Theo đó, Malaysia cùng với 3 nước khác vừa được đưa vào danh sách điểm đến có nguy cơ cao nhất do tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2. 

Theo đánh giá của CDC Mỹ, cấp độ 4 là cấp độ có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 rất cao, khi có hơn 500 ca/100.000 dân được xác định mắc COVID-19 trong 28 ngày qua. Ngoài Malaysia, Mỹ cũng đưa Bhutan, Brunei và Iran vào danh sách này. CDC Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ nên tránh đi nghỉ tại các quốc gia đang nằm trong cấp độ 4. 

Trước đại dịch, Malaysia được xem là điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế, nổi tiếng với những bãi biển và hòn đảo đẹp, ẩm thực đa dạng và có sự pha trộn giữa các nền văn hóa. 

Theo Tiến sĩ Leana Wen, chuyên gia phân tích y tế của CNN, tỷ lệ lây nhiễm là "kim chỉ nam" cho các tính toán về rủi ro của du khách. Theo bà, tốc độ lây lan COVID-19 là yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi đưa ra quyết định đi lại. Tiêm phòng là yếu tố an toàn quan trọng nhất cho mỗi cá nhân, song người dân vẫn không nên đến những nơi có nguy cơ cao và cần đeo khẩu trang chất lượng cao - N95, KN95 hoặc KF94 - bất cứ khi nào, đặc biệt là tại những nơi có đông người chưa rõ tình trạng tiêm chủng.

* Chính quyền bang New South Wales (NSW) đã quyết định kể từ ngày 28/2, bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc đối với học sinh và nhân viên các trường trung học phổ thông, cho dù số ca mắc mới COVID-19 tại bang này vẫn tiếp tục tăng. 

Theo chính quyền bang, kể từ ngày 28/2, các trường học có thể cho nhiều khách vào thăm hơn, trong đó có cả phụ huynh và sẽ tiếp tục các hoạt động tập thể, trong đó có cắm trại. Bên cạnh đó, giáo viên và nhân viên các trường tiểu học và trung tâm chăm sóc trẻ em cũng không cần đeo khẩu trang bắt buộc từ ngày 7/3 tới. 

Người đứng đầu lĩnh vực giáo dục bang NSW Sarah Mitchell cho biết các trường học sẽ trở lại "bình thường" vào tuần tới, vì sự lây nhiễm trong trường học là "cực kỳ thấp". Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn lo ngại rằng sẽ còn quá sớm để giảm bớt các hạn chế. Ông Gaetan Burgio, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học Y và Dược - Đại học Quốc gia Australia khẳng định: “Đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron vẫn chưa kết thúc. Việc dỡ bỏ các hạn chế, trong đó có việc đeo khẩu trang trong nhà, sẽ dẫn tới số ca mắc mới tăng vọt, kéo theo áp lực đối với hệ thống y tế". Theo ông, với số ca mắc mới trên phạm vi cả nước vẫn dao động khoảng 10.000 hoặc 20.000 ca mỗi ngày, số ca mắc mới chủ yếu tập trung tại các trường học - nơi tỷ lệ bao phủ vaccine tương đối thấp.

Hằng Linh - Ngọc Hà (TTXVN)
WHO cảnh báo tình trạng tiếp thị quá đà sữa công thức
WHO cảnh báo tình trạng tiếp thị quá đà sữa công thức

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF cho rằng các quốc gia nên hạn chế tiếp thị “quá khích” và “không có nguyên tắc” sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN