Cơ quan Khí tượng học Hàn Quốc (KMA) ngày 2/1 thông báo đã phát hiện một trận động đất nhỏ xảy ra lúc 7h20 sáng cùng ngày tại tỉnh Bắc Hamgyong của Triều Tiên. Hiện tượng này do vụ thử thiết bị hạt nhân ngầm dưới đất năm 2017 gây ra.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đây là vụ thử hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên tính đến nay với một thiết bị nổ có sức công phá ước tính lên tới 160 kiloton. Vụ nổ ban đầu gây ra một rung chấn mạnh 6,3 độ Richter và tiếp tục gây ra hàng loạt dư chấn sau đó.
KMA cho biết trận động đất tại tỉnh Bắc Hamgyong mạnh 2,8 độ Richter, ở độ sâu 12km, nằm cách bãi thử hạt nhân chính của Triều Tiên Punggye-ri khoảng 11km về phía Đông.
Triều Tiên khẳng định bãi thử Punggye-ri đã dừng hoạt động. Nước này đã mời các phóng viên quốc tế đến tham dự lễ đóng cửa, trong đó đánh sập ít nhất ba đường hầm vào bãi thử hạt nhân, các đài quan sát và một lò nung kim loại.
Một nhà địa chấn học tại KMA chia sẻ với kênh CNN rằng hiện tượng hôm 2/1 khả năng lớn là một trận động đất tự nhiên dựa trên các đợt sóng địa chấn đo được. Tuy nhiên, do động đất xảy ra gần bãi Punggye-si nên chuyên gia này khẳng định nó có liên quan đến vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên.
Vụ việc xảy ra một ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa trong thông điệp Năm mới 2019. Ông nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ không “chế tạo, thử nghiệm, sử dụng hay phổ biến các vũ khí hạt nhân”. Ông Kim Jong-un cũng bày tỏ sẵn sàng gặp lại Tổng thống Mỹ Donald Trump bất cứ khi nào.