Trực thăng cứu hộ tìm kiếm mảnh vỡ máy bay ATR 72 tại vùng núi Dena, miền trung Iran ngày 19/2. Ảnh: THX/TTXVN |
Kênh truyền hình nhà nước Iran ngày 23/2 đưa tin quyết định trên là biện pháp tạm thời được đưa ra tại thời điểm nhà chức trách đang tiến hành điều tra nguyên nhân máy bay chở khách ATR-72 mang số hiệu EP3704 của hãng Aseman Airlines gặp nạn tại vùng núi Zagros. Chiếc máy bay này được hãng đưa vào sử dụng kể từ năm 1993. Hiện Aseman Airlines đang khai thác tổng cộng 5 máy bay dòng ATR-72.
Trước đó, sáng 18/2 vừa qua, máy bay ATR-72 động cơ kép đã biến mất khỏi màn hình radar khoảng 45 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Tehran để tới thành phố Tây Nam Yasuj, với 66 người gồm hành khách và thành viên phi hành đoàn. Địa điểm gặp nạn cách điểm đến 22,4 km.
Hiện các nhà điều tra cố gắng khôi phục dữ liệu trong hộp đen của máy bay để xác định nguyên nhân tai nạn. Tuy nhiên, một số quan chức Iran cho rằng máy bay ATR-72 này không được thiết kế để bay ở những vùng núi cao trong điều kiện thời tiết băng giá, do đó phi công đã phải bay thấp hơn, dẫn đến tai nạn thảm khốc.
Iran đã phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn máy bay trong một vài thập kỷ trở lại đây. Tehran cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ ngăn cản các hãng hàng không nước nhà nhập khẩu máy bay mới hoặc thay thế các linh kiện bị hỏng.
Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trong ngành hàng không là một điều khoản quan trọng trong thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới. Sau thỏa thuận này, hãng Aseman Airlines đã ký một hợp đồng mua 30 chiếc Boeing 737 MAX trị giá 3 tỷ USD hồi tháng 6/2017 và có kế hoạch mua thêm 30 chiếc nữa. Tuy nhiên, thương vụ này sẽ gặp trục trặc nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tái áp đặt các trừng phạt Iran trong một vài tháng tới.