Vụ nổ máy nhắn tin có thể chỉ là đòn tấn công mở đầu của Israel nhằm vào Hezbollah

Theo giới chuyên gia, vụ nổ máy nhắn tin ở Liban ngày 17/9 dường như mới là bước khởi đầu của một cuộc tấn công lớn hơn mà Israel định thực hiện nhằm vào phong trào Hezbollah ở Liban.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau vụ không kích của Israel xuống miền Nam Liban ngày 16/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đài Sputnik, vào khoảng 3 giờ 30 phút chiều 17/9 (giờ địa phương), hàng nghìn máy nhắn tin cầm tay đã phát nổ ở Liban và ở Syria, làm hàng nghìn người bị thương và hơn chục người thiệt mạng. Những chiếc máy nhắn tin này thường được các thành viên phong trào Hezbollah sử dụng, nhưng một số dân thường cũng đã thiệt mạng. Hezbollah và chính phủ Liban đã đổ lỗi cho Israel, nhưng Tel Aviv chưa bình luận về vụ việc.

Trong một tuyên bố, Hezbollah cho biết: “Sau khi xem xét thực tế, dữ liệu hiện tại và thông tin về vụ tấn công xảy ra, chúng tôi coi Israel là bên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành động nhắm vào cả dân thường này”.

Theo hình ảnh do máy quay an ninh ghi lại ở Liban, các máy nhắn tin đã phát nổ ở các khu vực dân sự. Bộ Y tế Liban đã kêu gọi tất cả người dân có máy nhắn tin nên vứt bỏ các thiết bị này ngay lập tức.

Cựu nhà phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Michael Maloof, nhận định với đài Sputnik trong chương trình “The Final Countdown” rằng, vụ tấn công dường như là bước khởi đầu của cuộc tấn công lớn hơn mà Israel định thực hiện nhằm vào phong trào Hezbollah ở Liban.

Ông Maloof lập luận: “Một trong những nguồn tin của tôi nói… đây là bước khởi đầu của những gì họ cho rằng sẽ là một cuộc tấn công từ Israel. Và chúng ta vừa nghe hôm qua rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói họ sẽ nhắm đến Hezbollah ngay bây giờ”.

Theo ông Maloof, vụ tấn công không chỉ nhằm mục đích giết người và gây thương tích mà còn để làm gián đoạn liên lạc của Hezbollah. Đây là một chiến thuật quân sự phổ biến thường diễn ra trước cuộc tấn công lớn hơn. Ông giải thích: “Thực tế là họ nhắm vào hệ thống liên lạc trước tiên. Đó là điều mà họ luôn cố gắng làm. Điều này khiến đối phương giảm khả năng phối hợp và liên lạc trên khắp cả nước”.

Ông Maloof không phải là người duy nhất suy đoán về điều này. Chuyên gia Mohamad Elmasry, Giáo sư chương trình Nghiên cứu Truyền thông tại Viện Nghiên cứu Sau đại học Doha, cũng nhận định rằng đây có thể là dấu hiệu báo trước một cuộc tấn công quy mô lớn của Israel. Ông nói: “Theo tôi, điều mà người ta muốn làm trước một cuộc tấn công quy mô lớn là vô hiệu hóa hoặc phá vỡ mạng lưới liên lạc của đối phương. Tôi nghĩ chúng ta sẽ cần chú ý sát sao đến những gì sẽ diễn ra trong vài giờ và có thể là vài ngày tới”.

Theo ông Elmarsy, Hezbollah đã tăng cường sử dụng người đưa thư để gửi tin nhắn và có thể sẽ phải dựa vào chiến thuật đó nhiều hơn sau vụ tấn công vừa xảy ra.

Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp với các quan chức quốc phòng cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Tổng tham mưu trưởng quân đội Herzi Halevi để thảo luận về công tác chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc tấn công và phòng thủ trên tất cả các mặt trận.

Ông Maloof suy đoán: “Tôi dự đoán nếu Israel có hành động gì, họ sẽ thực hiện vào thời điểm dễ tổn thương này”.

Hiện vẫn chưa rõ vụ tấn công các máy nhắn tin đã được thực hiện như thế nào. Một quan chức Hezbollah giấu tên nói với các phương tiện truyền thông rằng những chiếc máy nhắn tin là mẫu mới dùng pin lithium, mới được mua gần đây.

Khoảnh khắc túi xách của một người đàn ông nghi chứa máy nhắn tin phát nổ trong một siêu thị ở thủ đô Beirut của Liban vào ngày 17/9/2024 (Nguồn: Reuters):

Trước đó, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ đưa tin rằng, lượng nhỏ chất nổ đã được gài vào máy nhắn tin mà Hezbollah đặt mua từ một công ty Đài Loan (Trung Quốc).

Cụ thể, Israel đã tiến hành chiến dịch tấn công Hezbollah bằng cách giấu chất nổ bên trong một lô hàng máy nhắn tin mới. Lô hàng này được sản xuất tại Đài Loan, được nhập khẩu vào Liban.

Theo các quan chức, những chiếc máy nhắn tin mà Hezbollah đặt mua từ công ty Gold Apollo ở Đài Loan đã bị can thiệp trước khi đến Liban. Phần lớn máy nhắn tin thuộc mẫu AP924 của công ty Gold Apollo, ba mẫu khác của Gold Apollo cũng có trong lô hàng.

Hai quan chức cho biết chất nổ, chỉ nặng từ 28 đến 56 gram, đã được gài bên cạnh pin của mỗi chiếc máy nhắn tin. Một công tắc cũng được gắn vào để có thể kích hoạt từ xa, nhằm kích nổ chất nổ.

Lúc 3 giờ 30 phút chiều 17/9 tại Liban, các máy nhắn tin nhận được một tin nhắn có vẻ như do lãnh đạo Hezbollah gửi và tin nhắn này đã kích hoạt chất nổ. Bộ trưởng Y tế Liban cho biết trên truyền thông nhà nước rằng ít nhất 9 người đã thiệt mạng và trên 2.800 người bị thương.

Các thiết bị này được lập trình để kêu bíp trong vài giây trước khi phát nổ.

Hezbollah đã cáo buộc Israel đứng sau vụ nổ máy nhắn tin. Israel không đưa ra bình luận về vụ tấn công, cũng như không thừa nhận thực hiện.

Sau vụ nổ, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ không liên quan, đồng thời bày tỏ Washington tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng dọc biên giới Israel - Liban.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau vụ việc trên, người phát ngôn của Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhận thấy những diễn biến mới nhất ở Liban cực kỳ đáng lo ngại do bầu không khí vốn đã căng thẳng. Ông cũng cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình, đồng thời lấy làm tiếc về thương vong của dân thường.

Về phần mình, cho dù chưa lên tiếng chính thức về loạt vụ nổ máy nhắn tin nêu trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã họp đánh giá tình hình an ninh sau vụ việc.

Theo truyền thông Israel, nội dung cuộc họp trên nhằm tập trung xây dựng các kịch bản nước này có thể phản ứng trong trường hợp leo thang căng thẳng.

Trước đó ít giờ, chính quyền các địa phương ở miền Bắc Israel đã yêu cầu người dân ở gần nơi trú ẩn và gia cố các phòng an toàn, viện dẫn lo ngại về khả năng leo thang.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Giới chuyên gia 'mổ xẻ' nguyên nhân khiến máy nhắn tin phát nổ hàng loạt tại Liban
Giới chuyên gia 'mổ xẻ' nguyên nhân khiến máy nhắn tin phát nổ hàng loạt tại Liban

Đã có 9 người đã thiệt mạng và khoảng 2.750 người bị thương khi máy nhắn tin phát nổ hàng loạt trên khắp Liban. Diễn biến này khiến nhiều người băn khoăn rằng bằng cách nào, một thiết bị liên lạc được coi là lỗi thời ở nhiều nơi trên thế giới lại có thể trở thành vũ khí nguy hiểm chết người?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN