Nguồn tin tư pháp Liban cho biết thẩm phán Fadi Sawan phụ trách điều tra vụ nổ đã thẩm vấn Giám đốc vận tải đường bộ và hàng hải Abdel Hafiz Kaissi và Giám đốc cảng Mohammed al-Mawla, sau đó phát lệnh bắt giữ 2 quan chức này. 3 công nhân người Syria cũng bị bắt giữ liên quan việc hàn tại nhà kho số 12 ở cảng Beirut vài giờ trước khi vụ nổ xảy ra.
Như vậy, đến nay đã có 21 người bị bắt giữ liên quan vụ nổ ở cảng Beirut. Vụ nổ xảy ra ngày 4/8 đã khiến khoảng 190 người thiệt mạng và 6.000 người bị thương. Thảm họa xảy ra vào thời điểm Liban đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua và các tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Dự kiến, thẩm phán Sawan sẽ tiếp tục thẩm vấn 4 quan chức khác phụ trách cảng Beirut. Hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra vụ nổ nhà kho chứa hàng trăm tấn amoni nitrat được cất giữ không an toàn ở cảng Beirut trong ít nhất 6 năm qua. Nguồn tin an ninh cho rằng hoạt động hàn đã làm phát sinh lửa và châm ngòi vụ nổ, song một số nhà quan sát nghi ngờ giả thuyết này.
Liban đã từ chối một cuộc điều tra quốc tế về thảm họa thời bình tồi tệ nhất tại quốc gia Trung Đông này, song hiện quá trình điều tra của Beirut nhận được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia nước ngoài, trong đó có Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), vụ nổ gây thiệt hại khoảng 3,8 tỷ USD - 4,6 tỷ USD đối với quốc gia Trung Đông này, tổn thất về kinh tế ước tính từ 2,9 tỷ USD - 3,5 tỷ USD. Hiện Liban cần khoản viện trợ tài chính từ 605 triệu USD -760 triệu USD để nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ nổ. WB đánh giá các lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nhất là nhà ở, giao thông, di sản văn hóa bao gồm các địa điểm tôn giáo, khảo cổ, đài tưởng niệm quốc gia, nhà hát và các thư viện.