Vụ việc máy bay dân sự của Malaysia bị bắn rơi ở Ukraine có thể là bước ngoặt đối với cuộc xung đột ở nước này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng sẽ đi theo chiều hướng nào vẫn phụ thuộc lớn vào việc ai là thủ phạm gây ra vụ tấn công và làm thế nào để có thể chứng minh với thế giới về điều này.Với việc nghi ngờ đang đổ dồn về phe nổi dậy ủng hộ Nga, sự việc này có thể là cơ hội cho Tổng thống Nga Vladimir Putin tránh xa khỏi các đồng minh ngày một không thể kiểm soát của ông ở miền Đông Ukraine. Nhưng nếu những nghi ngờ vẫn tiếp diễn, thì lập trường của cả Nga và phương Tây có thể sẽ trở nên cứng rắn hơn. Phương Tây có thể sẽ tăng cường trừng phạt Nga và giúp đỡ quân đội Ukraine, và động thái này có thể khiến ông Putin lấn sâu vào một cuộc đối đầu rủi ro hơn.
Thảm kịch MH17 khiến thế giới quan tâm nhiều hơn tới cuộc xung đột ở Ukraine - cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây trong thế hệ qua. Nó cũng khiến cuộc giao tranh này trở thành nỗi đau thực sự với các gia đình từ Australia tới Hà Lan, những người có thân nhân đi trên chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Và nó cũng bộc lộ một mối nguy hiểm mà phần lớn mọi người chưa từng nghĩ tới: đó là phe nổi dậy có thể tấn công vượt ra bên ngoài lãnh thổ của họ với việc chĩa các vũ khí thông thường lên bầu trời.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay Malaysia tại Ukraine. Ảnh: Itar-Tass |
Việc tìm ra bằng chứng cho thấy phe nổi dậy là thủ phạm có thể sẽ là bước đi quan trọng để làm lắng dịu cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua, và làm tổn hại uy tín của phe này để từ đó các nhà lãnh đạo Nga có thể tránh xa khỏi phe nổi dậy. Thậm chí trước khi máy bay MH17 bị bắn hạ, ông Putin đã đối mặt với nhiều sức ép trong nước. Một số thành viên trong chính phủ đã hối thúc ông can dự mạnh mẽ hơn để hậu thuẫn phe nổi dậy, trong khi một số khác kêu gọi ông lùi bước.
Nếu phe nổi dậy bị chứng minh đã gây ra hành động làm chấn động thế giới đó, thì lập trường của phe ủng hộ hòa bình có thể sẽ được củng cố. Tuy nhiên, các nhà quan sát cảnh báo rằng bất cứ thay đổi nào nếu có sẽ diễn ra rất từ từ, đặc biệt là bởi ông Putin vẫn luôn bác bỏ vai trò trực tiếp của Nga trong hậu thuẫn phe nổi dậy Ukraine.
Hiện sẽ rất khó khăn, và dường như là không thể, chứng minh rõ ràng ai là thủ phạm đã bắn hạ chiếc Boeing 777 đó. Đây là một nhiệm vụ điều tra đặc biệt khó khăn ở một khu vực mà không phe nào đang thực sự chịu trách nhiệm, một nơi mà những lời lẽ tuyên truyền luôn lấn át sự thật và bất kỳ tuyên bố nào cũng dường như mang động cơ ngầm.
Nếu những nghi ngờ xung quanh việc ai là thủ phạm bắn hạ máy bay MH17 vẫn tiếp diễn, thì Nga có thể sẽ tiếp tục âm thầm hậu thuẫn phe nổi dậy, đặc biệt khi nhiều người Nga cho rằng chính phủ Ukraine phải chịu trách nhiệm trước vụ tấn công này. Tất nhiên, điều này sẽ mang lại hậu quả cho Nga. Tại Washington, một số nhà lập pháp đang hối thúc Tổng thống Barack Obama tỏ ra cứng rắn hơn với Nga và tăng cường trừng phạt. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đang đứng trước các lời kêu gọi tương tự. Phương Tây thậm chí có thể tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Và hầu hết mọi người có thể đoán được sự thù địch này có thể dẫn tới đâu.
Thợ lặn tìm kiếm chiếc hộp đen tại khu vực máy bay rơi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trên thế giới, rất hiếm khi các máy bay dân dụng bị bắn hạ, và một khi sự việc này xảy ra, nó có thể gây ra tổn hại chính trị lâu dài. Năm 1988, tàu chiến Mỹ đã bắn hạ một máy bay Iran trong cuộc chiến Iran-Iraq, làm 290 người thiệt mạng, gây ra sự oán giận mạnh mẽ với chính sách của Mỹ và cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài nhiều năm. Việc máy bay của hãng hàng không Korean Airlines bị lực lượng Xô viết bắn hạ năm 1983 làm thiệt mạng 269 người cũng làm kích động một trong các giai đoạn căng thẳng nhất trong thời Chiến tranh Lạnh và dẫn đến sự leo thang làn sóng phản đối Xô viết ở Mỹ.
Những hoài nghi kéo dài về máy bay MH17 có thể dẫn tới một khả năng khác: đó là buộc miền Đông Ukraine phải ngừng xung đột, giống như các trường hợp khác ở xung quanh biên giới của Nga. Có thể sẽ phải mất đến nhiều ngày hoặc dài hơn để biết được Tổng thống Putin sẽ đưa ra kế hoạch gì. Một cuộc điều tra kéo dài và không đưa ra kết luận nào có thể khiến cho tình hình vẫn dậm chân tại chỗ. Điều này chỉ có lợi cho Nga bởi nó giúp bảo toàn quan hệ kinh tế giữa miền Đông Ukraine và Nga, đồng thời chặn đứng nỗ lực của Ukraine gia nhập NATO.
Thế giới có thể sẽ không bao giờ biết được những gì đã xảy ra với máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã mất tích ở Ấn Độ Dương trong năm nay. Và có thể động cơ đằng sau vụ bắn hạ máy bay MH17 cũng mãi là một điều bí ẩn. Cho dù thế nào đi nữa, vụ việc này cũng có thể góp phần quyết định tương lai của Ukraine.
TTK (theo AP)