Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, 3 tuần tranh tụng, bắt đầu từ ngày 15/3, sẽ tập trung vào cáo buộc vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tại sân bay Vancouver hồi năm 2018 là hành vi lạm dụng bất hợp pháp trình tự tố tụng và vụ dẫn độ này không đáp ứng các tiêu chí dẫn độ theo luật quốc tế.
Vị CFO của Huawei bị bắt với cáo buộc có hành vi gian dối, đẩy ngân hàng HSBC vào nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Cả bà Mạnh Vãn Châu và tập đoàn Huawei đều bác bỏ cáo buộc này.
Các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu dự kiến sẽ đề nghị Thẩm phán thừa nhận bằng chứng dùng để củng cố lập luận của họ. Các luật sư này cho rằng bằng chứng mới sẽ đặt dấu hỏi về việc liệu HSBC có phải chịu rủi ro thực sự bị mất khoản cho vay do các hành động bị cáo buộc của bà Mạnh Vãn Châu hay không. Bằng chứng cũng cho thấy phía Mỹ đã cung cấp cho các quan chức Canada hồ sơ "rõ ràng là không đáng tin cậy" về vụ việc trên.
Bà Mạnh Vãn Châu bị Canada bắt giữ hồi tháng 12/2018 theo cáo buộc của Mỹ rằng đã phạm tội gian lận để “lách” lệnh trừng phạt chống Iran. Sau khi bị bắt, bà Mạnh được bảo lãnh tại ngoại, trở về tạm trú tại biệt thự ở Vancouver. Trong thời gian tại ngoại, bà Mạnh Vãn Châu chịu sự giám sát của các nhân viên an ninh vào ban ngày, phải tuân thủ một lệnh giới nghiêm và đeo vòng định vị GPS. Hồi tháng 5/2020, một thẩm phán Canada đã ra phán quyết cho rằng hành vi “lừa gạt ngân hàng” mà Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu cũng là hành vi phạm pháp tại Canada. Phán quyết này dập tắt hy vọng của bà Mạnh Vãn Châu về việc sớm được phóng thích.
Canada là quốc gia duy nhất trong nhóm Ngũ Nhãn (liên minh tình báo giữa Canada, Mỹ, Anh, Australia và New Zealand) cho đến nay chưa đưa ra quyết định cấm hoặc hạn chế Huawei tham gia mạng di động 5G.