Như vậy, các phiên tranh tụng đã kết thúc sớm hơn 1 ngày so với dự kiến ban đầu do cả hai bên đã hoàn thành trình bày các lập luận. Trong một diễn biến đáng chú ý tại phiên tranh tụng ngày 3/3, các công tố viên Canada đã phản bác lập luận của luật sư bào chữa cho CFO của Huawei liên quan những quan ngại về an ninh quốc gia và địa chính trị trong vụ việc việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu.
Trước đó, ngày 3/3, luật sư của bà Mạnh Vãn Châu, ông Richard Peck, cho rằng CFO của Huawei đã trở thành "con bài mặc cả" trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc và vì lý do đó, tòa án Canada nên bác bỏ vụ kiện dẫn độ này. Để củng cố lập luận của mình, luật sư Peck đã đề cập đến tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 12/2018 rằng ông sẽ can thiệp vào vụ việc của bà Mạnh Vãn Châu nếu điều đó phục vụ lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Về phần mình, Công tố viên Canada Robert Frater cho rằng Thẩm phán của Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia sẽ không thể xác định liệu Huawei có thực sự là một mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ hay không nên sẽ không thể dựa vào điều này để bác bỏ vụ kiện. Các công tố viên cho rằng nếu bà Mạnh Vãn Châu trở thành một con bài mặc cả trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, như lập luận của luật sư Peck thì Bộ trưởng Tư pháp Canada mới là người có quyền quyết định việc dẫn độ, chứ không phải Thẩm phán.
Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada hồi tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc lừa gạt ngân hàng HSBC Holdings Plc về các giao dịch kinh doanh của Huawei Technologies Co Ltd tại Iran, đẩy ngân hàng này vào nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Quy trình dẫn độ của Canada quy định rằng trước tiên Thẩm phán sẽ quyết định xem yêu cầu dẫn độ có hợp pháp hay không, trước khi Bộ trưởng Tư pháp nước này đưa ra quyết định cuối cùng về việc có dẫn độ người đó hay không. Các phiên tranh tụng dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 5 tới.