Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin chính quyền thành phố Vũ Hán ngày 16/3 đã đề nghị cung cấp cho các doanh nghiệp ưu đãi tài chính lên tới 50 triệu nhân dân tệ (7,88 triệu USD) với các dự án liên quan đến sản xuất vệ tinh, tên lửa và tàu vũ trụ.
Điểm đặc biệt là chính quyền thành phố Vũ Hán sẽ khuyến khích các công ty sử dụng trang thiết bị, phần mềm và dịch vụ của địa phương. Nếu một doanh nghiệp sử dụng sản phẩm địa phương trong hơn 10% vệ tinh quỹ đạo cao và quỹ đạo thấp cũng như tàu vũ trụ, sẽ được nhận ưu đãi tài chính lên tới 15 triệu nhân dân tệ. Nếu sử dụng trên 30% sản phẩm địa phương, công ty sẽ nhận ưu đãi tài chính lên tới 50 triệu nhân dân tệ.
Khoản đầu tư này của Vũ Hán được đánh giá là khiêm tốn so với kế hoạch đầy tham vọng được vạch ra bởi các thành phố ven biển thịnh vượng của Trung Quốc. Năm 2021, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông đã đề nghị hỗ trợ tài chính lên tới 300 triệu nhân dân tệ cho mỗi dự án liên quan đến phát triển vệ tinh và các thiết bị liên quan đến công nghiệp vũ trụ.
Tuy nhiên, nỗ lực này của Vũ Hán phản ánh cố gắng của Trung Quốc để trở thành một cường quốc vũ trụ vào năm 2030. Trung Quốc hướng đến viễn cảnh về mạng lưới quy mô các vệ tinh thương mại có thể đáp ứng nhiều dịch vụ từ internet tốc độ cao cho đến dò tìm vận chuyển than…
Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng cảng vũ trụ thương mại ở tỉnh Hải Nam. Ngoài ra, Trung Quốc đang thi công bãi phóng tên lửa thứ 5 tại thành phố cảng Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang.
Để đáp ứng nhu cầu về phóng vệ tinh, Trung Quốc cần phải đóng thêm tên lửa đẩy có thể mang theo nhiều vệ tinh hơn hoặc xây thêm bãi phóng. Trung Quốc hiện sở hữu 4 bãi phóng tên lửa. Các chuyên gia đánh giá tên lửa lớn nhất của Trung Quốc Trường Chinh- 5 có thể vận chuyển 60 vệ tinh cùng một thời điểm.