Đó là lý do tại sao thậm chí khi nước mắt chưa kịp khô và đám cháy đã được dập tắt, thì điều thôi thúc cấp bách từ bên trong không phải đối với người dân Pháp mà còn đối với người dân thế giới là phải phục dựng lại công trình kiến trúc hơn 850 tuổi này.
Từ các nơi, mọi tầng lớp người dân đều ủng hộ tiền, vật liệu với tâm huyết phục dựng lại biểu tượng lịch sử của nước Pháp, từ các nhà tỷ phú ủng hộ hàng trăm triệu euro cho đến những người bình dân có thể cho đi những gì họ có dù là "khiêm tốn nhất". Nước Pháp, một dân tộc đã bị chia rẽ hơn bao giờ hết kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai do các cuộc biểu tình "Áo vàng" kéo dài trong nhiều tháng qua, trở nên đoàn kết trong một sứ mệnh chung. Đó là chung tay phục dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris cho các thế hệ mai sau.
Trong bài phát biểu trước cả nước được phát sóng trực tiếp trên truyền hình một ngày sau vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: "Những gì chúng ta cùng chứng kiến tại Paris tối qua là khả năng đoàn kết". Tờ Liberation số ra ngày 16/4 đăng bức ảnh tháp nhà thờ chìm trong biển lửa cùng với bài viết đề cập tới việc vụ cháy này dường như đã sắp đặt lại những ưu tiên hàng đầu của nước Pháp. Tờ La Croix tin tưởng rằng: “Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ tái sinh từ đóng tro tàn. Cả một dân tộc sẽ lo việc đó. Cả một dân tộc sẽ ăn mừng ngày nhà thờ này mở cửa lại”. Không chỉ đánh dấu lịch sử nước Pháp, Nhà thờ Đức Bà Paris còn là một di sản của quần chúng, nhờ tác phẩm nổi tiếng của Victor Hugo. Tờ báo trích lời linh mục Olivier Ribadeau Dumas, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp rằng: “Tôi đã thụ phong linh mục tại đây, nhưng Nhà thờ Đức Bà Paris cũng là biểu tượng cho sự đoàn kết dân tộc, là nơi mà người dân Pháp vẫn tề tựu khi xảy ra những bi kịch”.
Giống như chú gà trống Gôloa, biểu tượng của nước Pháp đầy lòng tự hào và tinh thần bất khuất, người dân Pháp luôn ghi nhớ rằng trong tuyệt vọng, họ có chung tinh thần kiên cường bất khuất. Ông Bertrand de Feydeau, lãnh đạo một nhóm bảo tồn nói: "Đó là lịch sử của nước Pháp. Chúng ta thường mâu thuẫn khi tranh luận, song sau đó chúng ta lại đoàn kết với nhau". Ông nhận định:"Bởi người Pháp có rất nhiều tình yêu thương". Chỉ riêng trong ngày 16/4, nhóm bảo tồn của ông cùng với các nhóm khác chỉ riêng đã quyên góp được khoảng 135 triệu euro (khoảng 150 triệu USD) cho dự án phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.
Tình đoàn kết không chỉ tỏa sáng trong mỗi người dân nước Pháp, người dân khắp nơi trên thế giới cũng đều bày tỏ tình cảm sẻ chia với người dân Pháp, như muốn nói rằng "Chúng ta đều là người Pháp". Họ chia sẻ sự tiếc nuối trên các trang mạng xã hội cùng với những kỷ niệm "không thể nào quên" và các bức ảnh chụp ở Nhà thờ Đức Bà Paris từ nhiều ngày, nhiều năm thậm chí hàng thập kỷ trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn này.
Trên mạng Facebook, nhiếp ảnh gia người Nga Evgeny Feldman chia sẻ Nhà thờ Đức Bà Paris là điểm đến tâm linh mỗi khi anh đến thủ đô Paris. Anh nói: "Những giây phút kỳ diệu đối với tôi là bay đến Paris, quẳng túi lại, lấy xe đạp và đến mặt chính của Nhà thờ vào chiều tối muộn. Tôi hy vọng rằng trong vài năm nữa, tôi sẽ vẫn có thể đạp xe tới Đức Bà Paris vào buổi tối và tới quảng trường ở phía trước, và chiêm ngưỡng các công trình điêu khắc, tháp và kính đầy mầu sắc của Nhà thờ Đức Bà Paris với sự ngưỡng mộ sâu sắc."
Trong khi đó, nhà nghiên cứu sinh học nổi tiếng Jane Goodall cho rằng nhìn vào cửa sổ hoa hồng trong Nhà thờ Đức Bà Paris khi vắng người và chìm đắm trong một bản nhạc của Bach là "những giây phút vĩnh hằng". Trên tài khoản Instagram, nghệ sĩ múa Ying Xin thuộc Đoàn nghệ thuật Martha Graham ở New York đã đăng tải một đoạn video ghi hình điệu múa mà cô ứng tác ở phía trước Nhà thờ Đức Bà Paris hồi năm ngoái. Cô nói: "Lúc đó ở bên ngoài trời đã tối. Nhà thờ sáng đèn vào ban đêm. Đó là giây phút trọn vẹn nhất ở Paris".
Hàng triệu lượt khách du lịch đã tới thăm Nhà thờ Đức Bà Paris, một địa điểm phải đến thăm trong các chuyến du lịch cùng gia đình, tuần trăng mật hay trong thời gian du học tại Pháp. Nhà thờ Đức Bà Paris không chỉ là chốn linh thiêng trong tâm khảm những người có đức tin mà còn truyền cảm hứng cho những người chưa có đức tin. Tất cả đều cảm nhận được sự thiêng liêng khi nhìn ngắm ánh sáng chiếu qua cửa sổ được làm từ tranh kính với màu sắc rực rỡ được lắp đặt từ thế kỷ XIII.
Nhà thờ Đức Bà Paris tọa lạc tại đảo Cité trên sông Seine ở thủ đô Paris. Vị trí địa lý đặc biệt này đã khiến nhà thờ trở thành biểu tượng mang tính lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Paris. Năm 1163, viên đá đầu tiên được đặt với sự có mặt của Giáo hoàng Alexander III và Vua Louis VI. Quá trình xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris kéo dài trong gần 2 thế kỷ với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư danh tiếng lúc bấy giờ như Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller.
Sau hơn 8 thế kỷ tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mang trong mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá… để trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của nền văn minh thiên chúa giáo phương Tây. Kiệt tác kiến trúc này đã trở thành nguồn cảm ứng của rất nhiều tác phẩm văn học, trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris" của đại văn hào Victor Hugo, với nhân vật chính là thằng gù Quasimodo.