Vụ bê bối News of the World và đạo đức báo chí

Trung tuần tháng 7/2011, nhiều người quan tâm tới báo chí ở Anh đều dậy từ sớm để tranh thủ mua tờ tuần báo News of the World (NoW), đơn giản vì đó là số cuối cùng của tờ tuần san có tuổi đời 168 năm và lượng phát hành lớn nhất thế giới bằng tiếng Anh. NoW buộc phải đình bản vì vướng vào một vụ bê bối pháp lý và đạo đức nghề báo khiến dư luận Anh sôi sục.


Vụ bê bối của NoW còn tạo ra một cơn địa chấn trong làng báo thế giới và làm lung lay đế chế của “ông trùm truyền thông” - tỷ phú Rupert Murdoch - người sở hữu hàng chục tờ báo tiếng tăm và những kênh truyền hình hái ra tiền. Không những thế, vụ việc khơi lại bài học về đạo đức nghề nghiệp tưởng chừng bấy lâu đã bị quên lãng.


“Trẻ không tha, già không thương”


Mọi chuyện bắt đầu sau khi các phóng viên của NoW bị phát hiện đã thuê thám tử theo dõi và nghe lén điện thoại của hàng nghìn người ở Anh. Trong số này có những chính trị gia hàng đầu, ngôi sao nổi tiếng trong giới showbiz, thành viên Hoàng gia, vận động viên và thậm chí cả những đối tượng đáng thương trong xã hội, như trường hợp của cô bé Milly Dowler (13 tuổi) bị mất tích và sát hại vào năm 2002.

Cựu Giám đốc điều hành News International Rebekah Brooks bị áp giải đến đồn cảnh sát.


Hành vi nghe trộm điện thoại của NoW kéo dài trong nhiều năm và có hệ thống, nhưng bắt đầu bị nghi ngờ từ năm 2005. Tháng 8/2006, phóng viên Clive Goodman của NoW và một thám tử tư tên là Glenn Mulcaire phải tra tay vào còng sau khi cảnh sát tìm thấy chứng cứ. Khi bắt giữ và khám xét nơi ở của Mulcaire, cảnh sát đã thu được khoảng 11.000 trang tài liệu liên quan tới 3.870 nạn nhân. Cáo trạng mới nhất cho biết, tòa soạn NoW đã yêu cầu Mulcaire nghe trộm điện thoại tới hơn 2.200 lần trong vòng 5 năm.


Vụ việc tưởng chừng như dừng lại đó. Đến tháng 7/2011, gia đình của cô bé Milly Dowler nói trên báo với cảnh sát rằng điện thoại của cô bị ai đó nghe lén trong thời gian cô gái mất tích. Tin tặc đã xóa hết tin nhắn trong hộp thư thoại để gia đình nạn nhân tin rằng cô bé vẫn còn sống, trong khi trên thực tế cô đã bị sát hại trước đó.

News of The World: Bản phát hành cuối cùng của tờ “News of the World”.


Một lần nữa cảnh sát lại bắt tay vào điều tra và lại phát hiện sự liên can của NoW. Dư luận Anh trở nên sôi sục bởi những hành vi không thể chấp nhận. Năm 2007, khi vụ bê bối nghe lén của NoW bị tờ Guardian phanh phui, người ta còn cho rằng đó chỉ là “bới lông tìm vết” bởi “con gà tức nhau tiếng gáy”. Nhưng lần này thì khác, hàng loạt tờ báo có tên tuổi của Anh, như Independent, Telegraph, BBC vào cuộc và danh sách “nạn nhân” của NoW ngày càng dài, bao gồm từ thành viên cấp cao của chính phủ và Hoàng gia Anh tới một cô bé tội nghiệp. Nó cho thấy chủ trương “trẻ không tha, già không thương” trong phương thức tác nghiệp của một tờ báo lớn.


Chưa đầy một tuần sau đó ông trùm Murdoch phải tuyên bố đình bản tuần san NoW, khiến 200 phóng viên, biên tập viên bị mất việc cùng với khoản thiệt hại khoảng 240 triệu bảng Anh. Số báo phát hành cuối cùng vào ngày 10/7/2012 trang bìa bị lấp kín bằng câu “Cám ơn và Tạm biệt”. Sau đó, đích thân tỷ phú Murdoch gửi một bức thư ngỏ đăng kín một trang quảng cáo trên các tờ báo lớn ở Anh, với tiêu đề “Chúng tôi xin lỗi”.


Lung lay một đế chế


Nhưng lời xin lỗi đưa ra là quá muộn mằn và cơn ác mộng với Murdoch mới chỉ bắt đầu, đánh dấu bằng sự ra đi của Rebekah Brooks, một trong những lãnh đạo then chốt của tập đoàn News Corp. Brooks là nữ giám đốc điều hành đầy tài năng của công ty News International, đại diện của tập đoàn News Corp tại châu Âu và chịu trách nhiệm xuất bản NoW. Sinh năm 1968, Brooks là tổng biên tập trẻ nhất của một tờ báo hàng đầu thế giới. Bà này bị cáo buộc tổ chức hoạt động nghe lén điện thoại và tham nhũng để lấy tiền hối lộ trong thời gian điều hành NoW.

Vụ bê bối nghe lén đe dọa đế chế của ông trùm Rupert Murdoch?


11 ngày sau khi nhận lời cáo buộc, Brooks phải đệ đơn từ chức và 2 ngày sau đó thì bị cảnh sát bắt giữ và thẩm vấn trước khi nộp tiền bảo lãnh tại ngoại. Tiếp sau đó, đích thân ông trùm Murdoch phải sang Anh và xuất hiện trước phiên chất vấn của các nghị sỹ Anh kéo dài 2 giờ đồng hồ và được truyền hình trực tiếp trên các kênh ở Anh - sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử báo chí “xứ sở sương mù”. Hôm 13/6 vừa qua, Rebekah Brooks cùng chồng và 4 cộng sự khác tiếp tục phải hầu tòa để lấy lời khai.


Vụ việc của NoW còn được cho là làm chao đảo vị thế của News Corp là tập đoàn truyền thông lớn thứ 2 thế giới về doanh thu và thứ 3 về phát hành. Bốn phóng viên của tờ The Sun - tờ báo có lượng phát hành lớn nhất ở Anh với 2,8 triệu bản - bị bắt giữ cũng vì tội danh nghe lén. Đầu năm nay, một ủy ban quốc hội Anh tiếp tục mở rộng điều tra nhằm vào các biện pháp thu thập thông tin của The Sun như nghe lén, đọc trộm tin nhắn điện thoại, đe dọa moi tin, theo dõi tại nhà, đút lót cảnh sát... Tổng cộng trong các cuộc điều tra, cảnh sát Anh đã bắt giữ hàng chục nhà báo và lãnh đạo của tập đoàn News Corp.


Từ Anh vụ việc còn lây lan sang Mỹ và sắp tới có thể là cả Ôxtrâylia, quê hương của Murdoch. Tại Mỹ, News Corp sở hữu một loạt tờ báo lớn, trong đó có tờ New York Post, The Wall Street Journal và kênh truyền hình Fox News. Ở Anh, ngoài tờ NoW, Murdoch còn sở hữu các tờ báo danh tiếng như Times, The Sun, The Sunday Times, và cổ phần lớn trong hệ thống truyền hình lớn nhất Sky Television. Còn tại Ôxtrâylia, News Corp sở hữu tờ báo The Australian phát hành cả nước và hàng chục tờ báo địa phương ở hầu hết các bang lớn.


Nhiều người đã kêu gọi mở các cuộc điều tra xem các cơ quan báo chí nói trên có thực hiện “nghiệp vụ” điều tra giống như NoW đã làm hay không. Nếu phát hiện bằng chứng, các tòa soạn và phóng viên của News Corp tại Mỹ sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự theo luật chống hối lộ quan chức nước ngoài của nước này.

Về tài chính, vụ bê bối NoW làm hỏng kế hoạch trị giá 12 tỷ USD của News Corp nhằm thâu tóm hệ thống truyền hình vệ tinh trả tiền BskyB lớn nhất nước Anh. Tại Mỹ, trong những tuần đầu, cổ phiếu của News Corp sụt giảm 7%, tương đương 3 tỷ USD.


Đối mặt với những vụ kiện cáo rắc rối, News International còn phải bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để bồi thường và đền bù cho 36 nạn nhân của các vụ nghe lén điện thoại, trong đó có tài tử điện ảnh Jude Law, ngôi sao bóng đá Ashley Cole, ngôi sao ca nhạc Charlotte Church và cựu Phó Thủ tướng Anh John Prescott. Riêng số tiền News International thỏa thuận trả cho thân nhân cô bé Milly Dowler đã lên đến 2 triệu bảng Anh.


Bài học đạo đức nghề nghiệp


Hành động xâm phạm đời tư và pháp luật của các tờ báo thuộc quyền sở hữu của News Corp từng bị phát giác nhiều năm trước, nhưng phải đến lúc NoW bị đưa ra ánh sáng người ta mới thấy rằng tin đồn phương châm tác nghiệp “có được thông tin bằng mọi cách” của đế chế truyền thông News Corp là có cơ sở. Điều khiến dư luận bức xúc là trong danh sách có cả cháu bé là nạn nhân của một vụ án. Mục đích cuối cùng của NoW là luôn có những tin nóng hổi, tin độc, tin giật gân để thu hút độc giả càng nhiều càng tốt. Một biên tập viên cao cấp của NoW thừa nhận, họ được phép tìm kiếm thông tin bằng mọi cách dù là bất hợp pháp, thậm chí bằng cả những tiểu xảo và áp dụng công nghệ tiên tiến nhất.


Dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp, hành vi của các phóng viên NoW bị coi là đi ngược lại với những chuẩn mực của báo chí hiện đại. Dư luận Anh cho rằng đây là hành vi không thể dung thứ và gây sức ép buộc ông trùm Murdoch phải tuyên bố ngừng phi vụ đàm phán mua lại kênh truyền hình BskyB trị giá 12 tỷ USD. Ngay cả các nhà quảng cáo cũng quay lưng lại và tẩy chay NoW, đẩy tờ báo này đến chỗ phải đóng cửa vĩnh viễn.


Không những thế, hành vi thu thập tài liệu của các phóng viên NoW đã vượt qua ranh giới của đạo đức và chạm vào vùng cấm của luật pháp. Nghe lén điện thoại bị coi là phạm tội theo Bộ luật hình sự Anh 1977, với hành vi được mô tả là “âm mưu cản trở giao tiếp”. Giữa lúc sự việc nóng nhất, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sau khi kết thúc cuộc điều tra hình sự, rằng ông sẽ thành lập một cuộc điều tra dân sự đi theo hai hướng: Một là nhằm vào các cáo buộc nghe lén và hối lộ của NoW, hướng còn lại sẽ rà soát lại văn hóa và đạo đức nghề nghiệp của toàn bộ nền báo chí Anh quốc. Nói là làm, ngày 14/11/2011, một ủy ban điều tra đã chính thức được thành lập để điều tra về “văn hóa, tác nghiệp và đạo đức của báo chí Anh” và theo lời của Thủ tướng Cameron, sẽ “tái thiết lập các mối quan hệ giữa báo chí, chính trị gia và cảnh sát”. Cuộc điều tra sẽ thu thập chứng cứ từ các nạn nhân để có thể công bố vào cuối năm nay. Rõ ràng là tác động từ vụ “bê bối nghe lén” xảy ra tại NoW nói riêng và nền báo chí phương Tây nói chung chưa thể sớm dừng lại.


Vũ Hội(Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN