Theo hãng tin Bloomberg News đưa tin ngày 7/6, TikTok đang đặt cược vào các thị trường như Indonesia để tăng giá trị tổng hàng hóa được bán ra thông qua cửa hàng trực tuyến TikTok Shop – một tính năng được cập nhật trên nền tảng từ hồi năm ngoái. Trong năm 2022, tổng giá trị hàng hóa mà TikTok Shop bán ra là 4,4 tỷ USD.
Nền tảng thương mại điện tử của TikTok cho phép khách hàng mua hàng thông qua các liên kết trên ứng dụng trong khi phát sóng trực tiếp.
Mục tiêu phát triển của hoạt động thương mại điện tử của TikTok được đưa ra khi công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc này phải đối mặt với sự giám sát từ chính phủ và cơ quan quản lý vì lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng để thu thập dữ liệu người dùng.
TikTok cũng đang nỗ lực để mở rộng doanh số bán hàng tại Mỹ và châu Âu. Trong một bài viết trên tạp chí Financial Times vào năm ngoái, tác giả có viết TikTok sẽ hợp tác với TalkShopLive trụ sở tại Los Angeles để ra mắt nền tảng mua sắm trực tiếp ở Bắc Mỹ và sẽ thuê các công ty thứ ba để vận hành hoạt động.