Theo tờ The Guardian, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng an ninh sau sự cố vỡ một phần tại một trong những con đập lớn nhất thế giới. Công tố viên Ukraine cho biết họ đang điều tra vụ việc có thể được coi là “hủy diệt sinh thái”.
Các nhà phân tích nhận định quy mô thiệt hại sẽ phụ thuộc vào lượng nước thoát ra và mức độ hư hỏng của rào chắn bê tông mà hiện nay còn chưa rõ.
Ít nhất, sự cố đập vỡ đã buộc hàng nghìn người phải sơ tán, gây ngập lụt các các công viên quốc gia và gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp nước của hàng triệu người. Trong trường hợp xấu nhất, vụ việc có thể gây nguy hiểm lâu dài cho nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu là Zaporizhzhia, đồng thời có thể phát tán chất hóa học dùng trong nông nghiệp và hóa dầu ra Biển Đen.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã đăng lên Twitter, nói rằng các chuyên gia của cơ quan này tại Zaporizhzhia đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Họ cho biết không có rủi ro an toàn hạt nhân ngay lập tức tại nhà máy này, bởi vì các bể làm mát đã đầy.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong tương lai. Nếu hồ chứa phía sau đập bị cạn nước đáng kể, điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình bổ sung hệ thống làm mát và vận hành máy phát điện diesel.
Cựu Bộ trưởng Sinh thái Ukraine, ông Ostap Semerak nhận định đây là mối đe dọa lớn nhất hiện nay do vụ vỡ đập gây ra, nhưng những mối nguy hiểm khác có thể xuất hiện trong những ngày và tuần tới khi nước lũ nhấn chìm các thành phố, trạm xăng và trang trại, rồi nước lũ sẽ bị ô nhiễm bởi hóa chất nông nghiệp và các sản phẩm dầu, sau đó chảy vào Biển Đen.
Ông dự báo: “Điều này sẽ có tác động đến Romania, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria. Vụ việc sẽ có hại cho tất cả các khu vực. Chính phủ Ukraine đã tuyên bố đây là thảm họa môi trường lớn nhất ở châu Âu trong 10 năm qua và tôi nghĩ đây có thể là thảm họa tồi tệ nhất ở Ukraine kể từ sự cố Chernobyl năm 1986”.
Theo Tổng thống Zelensky, phòng tua-bin tại nhà máy thủy điện đã chìm trong nước và 150 tấn dầu máy đã bị cuốn trôi.
Bà Olena Kravchenko, Giám đốc một tổ chức phi chính phủ về môi trường ở Ukraine, nhận định vụ vỡ đập có nguy cơ gây ra hậu quả môi trường chưa từng có đối với các khu vực hạ lưu sông Dnipro, cửa sông Dnipro và các hệ sinh thái ở khu vực ven Biển Đen.
Theo bà Kravchenko, dòng sông Dnipro sẽ bị ô nhiễm khi cuốn theo các mảnh vụn và hóa chất độc hại. Nguồn cung cấp nước có thể bị giảm hoặc bị cắt ở một số thành phố. Không thể thực hiện công tác tưới tiêu ở những vùng đất nông nghiệp, do đó ảnh hưởng đến mùa màng.
Bà dự báo sẽ xảy ra cảnh cá, động vật thân mềm và các loài thủy sinh khác chết hàng loạt, môi trường sống bị phá vỡ trên diện rộng và gây tác động tiêu cực cho các công viên quốc gia quan trọng về mặt sinh thái.
Ngoài ra, bà cho biết bom mìn sẽ bị nước lũ cuốn đi và vùi lấp trong phù sa, khiến khó xác định vị trí và tháo dỡ bom mìn hơn.
Video nước tràn qua đập bị vỡ (Nguồn: The Guardian):
Ông Denys Tsutsaiev tại Tổ chức Hòa bình Xanh ở Trung và Đông Âu nhận định vụ phá hủy đập gây nguy hiểm cho hàng nghìn sinh mạng của dân thường và thiên nhiên. Ông nói: “Đây là một thảm họa rất lớn, nhưng còn quá sớm để đánh giá tác động và khó so sánh với những gì đã xảy ra trước đây. Chúng tôi vẫn chưa biết con đập bị hư hỏng thế nào”.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân cảnh báo việc phá hủy đập Kakhovka trên sông Dnipro ở Ukraine có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân. Ông Trương Quân cho rằng việc vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka trên sông Dnipro có thể gây nguy hiểm cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết đây là một thảm họa nhân đạo, kinh tế và sinh thái lớn. Ít nhất 16.000 người đã mất nhà cửa, nguồn cung cấp nước sạch và mất an toàn. Hàng nghìn người khác có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, Nga và Ukraine tiếp tục đổ lỗi cho nhau là thủ phạm phá đập Nova Kakhovka tại Liên hợp quốc.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia nhắc lại việc vào cuối tháng 10/2022, phía Nga đã đưa ra một lưu ý về kế hoạch phá hủy nhà máy thủy điện Kakhovka của Kiev. Đại sứ Nga bày tỏ sự tiếc nuối rằng lời kêu gọi của Moskva về việc cần phải làm mọi thứ có thể để ngăn chặn kế hoạch này đã không được chú ý đúng mức và đổ lỗi cho Ukraine thực hiện kế hoạch phá đập Nova Kakhovka, nhưng ông không đưa ra bằng chứng.
Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Sergiy Kyslytsya cho rằng Nga đã kiểm soát con đập và toàn bộ nhà máy thuỷ điện Kakhvka trong hơn một năm qua và nhấn mạnh thực tế là không thể làm nổ tung con đập bằng cách nào đó từ bên ngoài như pháo kích. Theo Đại sứ Ukraine, phía Nga đã cho nổ tung đập Nova Kakhovka bằng mìn, nhưng cũng không cung cấp bằng chứng.