Nghiên cứu được thực hiện trong một nhóm trẻ em tại Hà Lan chưa tiêm vaccine phòng ngừa sởi cho thấy sau khi mắc sởi, các em sẽ quay trở về trạng thái như trẻ sơ sinh bởi hệ miễn dịch không còn nhớ được những căn bệnh từng mắc phải trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ em nhiễm sởi có thể phải tái tiêm vaccine các căn bệnh từng nhiễm trước đó.
Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Science và Science Immunology vào 31/10 cho thấy sởi “tiêu diệt” từ 11-73% kháng thể bảo vệ trong cơ thể trẻ em. Trẻ em tham gia nghiên cứu trong độ tuổi từ 4 đến 17 tại 3 trường học ở Hà Lan.
Hệ miễn dịch vốn tạo ra các tế bào ghi nhớ dài hạn vốn lưu trú lâu dài trong lưu thông máu, tạo điều kiện để cơ thể nhanh chóng phát hiện và loại bỏ những virus từng nhiễm trước đó.
Tờ Guardian (Anh) dẫn lời Giáo sư Stephen Elledge tại Trường Y Harvard, người tham gia nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy virus sởi gây tổn hại tới hệ thống miễn dịch. Mối đe dọa từ virus sởi đối với con người còn lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta từng tưởng tượng”.
Sởi là bệnh truyền nhiễm và lây lan khi người mắc bị ho, hắt hơi… Khi nhiễm, virus sởi sẽ tấn công trực tiếp vào tế bào miễn dịch.
Trên toàn thế giới, virus sởi gây ảnh hưởng tới hơn 7 triệu người mỗi năm và khiến 100.000 người tử vong. Việc tiêm vaccine sởi thuyên giảm khiến kể từ năm 2018, số ca nhiễm sởi đã tăng tới 300%.
Năm 2019 còn diễn ra bùng phát sởi trên toàn thế giới. Kênh CNN cho biết tính riêng Mỹ đã trải qua dịch sởi lớn nhất kể từ năm 2000 khiến các chuyên gia lo ngại nước này sẽ không còn được công nhận là quốc gia loại bỏ được dịch sởi.