Tại cuộc họp, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình chính trị ở Yemen cũng như hoà bình và ổn định cho khu vực.
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, các báo cáo viên bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động quân sự tại nhiều nơi ở Yemen, đặc biệt tại tỉnh Marib, Taiz, thủ đô Sanaa và thành phố cảng Houdaydah, khiến nhiều người chết và bị thương, trong đó có phụ nữ và trẻ em và các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Saudi Arabia, bao gồm các mục tiêu dân sự.
Hiện có hơn 20 triệu người Yemen cần trợ giúp nhân đạo, trong đó có 5 triệu người đang bên bờ vực nạn đói và 1 triệu người buộc phải rời nơi cư trú. Các hoạt động nhân đạo tiếp tục gặp khó khăn do thiếu hụt tài chính, khủng hoảng kinh tế. Giá nhiên liệu tăng cao cũng đang làm tăng giá hàng hoá thiết yếu. Ông Mark Lowcock cho biết cam kết tài chính cho Yemen năm 2021 chỉ đạt 1,7 tỷ USD, chưa đạt 50% mức tài chính cần thiết cho năm 2021 và thấp hơn 1 tỷ USD so với năm 2020. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cam kết hỗ trợ Yemen. Ông Martin Griffiths cũng kêu gọi các bên chấm dứt các hành động thù địch, đồng ý với lệnh ngừng bắn toàn quốc và thúc giục Ansar Allah thể hiện thiện chí giải quyết vấn đề tàu chở dầu Safer ngoài khơi Yemen.
Các nước thành viên HĐBA LHQ lên án các vụ tấn công tại các tỉnh nêu trên, đặc biệt là các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu dân sự trên lãnh thổ Saudi Arabia; kêu gọi giúp Yemen giải quyết nạn đói và kêu gọi các bên không cản trở các hoạt động nhân đạo, thực hiện bảo vệ thường dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Các nước cũng kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ các Hiệp định Stockholm và Riyadh.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Phạm Hải Anh bày tỏ quan ngại về tình hình leo thang quân sự tại Yemen, đặc biệt tại Marib và Taiz. Đại sứ kêu gọi các bên liên quan thực hiện lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký LHQ, chấm dứt giao tranh và quay trở lại đàm phàn về một lệnh ngừng bắn toàn quốc. Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Yemen và các bên liên quan tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, chú trọng bảo vệ phụ nữ và trẻ em; thúc giục các bên đẩy mạnh việc thực hiện Hiệp định Stockholm và Hiệp định Riyadh với vai trò trung gian của LHQ.