Cuối tuần qua, những cơn sóng thần khổng lồ đã càn quét vào các thị trấn duyên hải trên đảo Sumatra và Java, cướp đi ít nhất 281 sinh mạng và làm 1016 người khác bị thương.
Các chuyên gia cho rằng hoạt động của núi lửa Krakatau đã gây lở đất dưới đáy biển, đẩy những đợt sóng thần chết chóc vào bờ biển. Sóng thần xảy ra bất ngờ trong lúc hệ thống cảnh báo của Indonesia không kịp “trở tay” dẫn đến con số thương vong lớn.
Sau đó một ngày, núi lửa Krakatau Con lại phun khói và tro bụi, khiến nhà chức trách Indonesia cảnh báo người dân sống tại các vùng ven biển lân cận phải di dời khẩn cấp.
Xem video quay từ trên máy bay ghi lại cảnh núi lửa Krakatau Con “thức giấc” ở Eo Sunda, giữa đảo Sumatra và Java
Núi lửa Anak Krakatau, được hình thành vào năm 1927 trong miệng ngọn núi lửa khác có tên Krakatoa, đã từng phun trào năm 1883 và cướp đi sinh mạng của ít nhất 36.000 người. Từ tháng 6 vừa qua, núi lửa Anak Krakatau đã có dấu hiệu hoạt động mạnh.
Chuyên gia Richard Teeuw, Đại học Portsmouth tại Anh, lưu ý rằng Anak Krakatau, nằm ở Eo biển Sunda giữa các đảo Java và Sumatra, gần khu vực đông dân cư. Đây là lý do khiến ngay cả sóng thần nhỏ cũng có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho cộng đồng dân cư ven biển, đặc biệt khi cơ quan chức năng không thể cảnh báo sớm.
Ông cũng ủng hộ quan điểm của chuyên gia Rothery rằng nguy cơ về các thảm họa sóng thần mới tại Eo biển Sunda vẫn ở mức cao khi núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn "thức giấc" và có thể kéo theo các đợt sạt lở ngầm trong lòng biển.