Thảm họa xảy ra mà không có một cảnh báo, làm ít nhất 222 người thiệt mạng và 800 người bị thương, hàng chục người mất tích tại hai tỉnh bị sóng thần quét qua. Cơ quan khí tượng Indonesia đang điều tra nguyên nhân sóng thần song nghi ngờ một vụ phun trào bùng nổ của núi Anak Krakatau có thể kích hoạt hoặc xảy ra trùng với sự kiện dưới biển như lở đất hoặc động đất, gây ra thảm họa sóng thần.
Theo ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia, không có trận động đất nào được ghi nhận trước khi xuất hiện sóng thần.
Giới chức Indonesia luôn cảnh giác về hiện tượng sóng thần sau bất kỳ hoạt động địa chấn nào vì nước này nằm trong khu vực rất dễ bị động đất. Tuy nhiên, sự kiện bi kịch vào tối 22/12 lại qua mặt hệ thống cảnh báo thảm họa quốc gia.
"Đây không phải là một trận sóng thần thông thường", Costas Synolakis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sóng thần của Đại học Nam California, cho biết. Ông nói: "Đây là sóng thần núi lửa... Nó không dâng cao đến mức gây ra cảnh báo. Vì vậy, về cơ bản Trung tâm Cảnh báo Sóng thần vô dụng trong hoàn cảnh này".
Sóng thần được tạo ra khi một lượng lớn nước trong đại dương, một vịnh hoặc thậm chí là một hồ nước bị dịch chuyển nhanh chóng. Nếu như xảy ra động đất, phần mặt đất bị dịch chuyển có thể kéo theo sự dịch chuyển của dòng nước.
Đây là cơ chế mà trận động đất mạnh 9,1 độ richter vào ngày 26/12/2004, ngoài khơi tỉnh Aceh miền Bắc Indonesia, đã tạo ra những đợt sóng lớn quét qua Ấn Độ Dương và khiến 225.000 người thiệt mạng.
Nhiều trận sóng thần khác cũng đã xảy ra sau khi xuất hiện động đất, bao gồm cả thảm kịch tháng 9 đã tàn phá thành phố Palu trên đảo Sulawesi của Indonesia sau trận động đất 7,5 độ richter.
Hoạt động núi lửa có cơ chế khác hình thành sóng thần. Rất có thể vụ phun trào bùng nổ, hoặc phần sườn núi mắc-ma nóng chảy đi qua bị suy yếu dần, dẫn tới phần đất dưới biển của ngọn núi lửa sạt lở. Cũng có thể do phun trào mạnh, một khoang mắc-ma bên dưới núi lửa trở nên rỗng và dễ bị sụp đổ, kéo theo lượng nước lớn dưới đại dương bị dịch chuyển.
Hiện tượng sóng thần do núi lửa gây ra không phải là hiếm. Một vụ phun trào vào năm 1792 tại Nhật Bản đã tạo ra những cơn sóng cao gần trăm mét. Các trận lở đất trong vụ phun trào núi St. Helens năm 1980 ở Washington (Mỹ) đã tạo ra những đợt sóng lớn ở một hồ nước gần đó.
Thảm họa núi lửa được nhiều người biết tới nhất trong lịch sử, vụ phun trào Krakatau năm 1883, còn được gọi là Krakatoa, đã gây ra sóng thần khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Lở đất cũng đôi khi có thể tạo ra những con sóng lớn. Con sóng lớn nhất từng được ghi nhận do một trận lở đất gây ra là ở vịnh Lituya, phía Đông Nam Alaska, vào tháng 7/1958. Nó xảy ra sau một trận động đất và tạo ra một làn sóng quét sạch thảm thực vật ở sườn đồi đối diện vịnh. Một nhà địa chất khảo sát địa chất Mỹ xác định chiều cao của sóng thần lúc đó là hơn 500 m.