Chiến đấu cơ Tupolev Tu-160 Blackjack, lần đầu tiên cất cánh cách đây 41 năm, là một biểu tượng của Lực lượng Hàng không Tầm xa của Nga, một thiết kế từ thời Chiến tranh Lạnh hiện đang được hiện đại hóa và được sản xuất trở lại ở dạng cập nhật. Nhưng điều ít được biết đến là có thời điểm, phần lớn lực lượng Tu-160 không nằm trong tay Nga. Thay vào đó, nó thuộc về Ukraine.
Ukraine từng là quốc gia sở hữu lượng chiến đấu cơ Tu-160 lớn nhất thế giới. Giờ đây sau mỗi cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, người Ukraine sẽ nhớ lại rằng vào năm 1999, Kiev đã cung cấp cho Moskva đội chiến đấu cơ Tu-160 và khoảng 500 quả tên lửa Kh-55. Vào năm 2022, Ukraine hầu như không có công cụ nào để thực hiện các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga.
Một điều mà người Ukraine lưu ý khác là, trong một số cuộc tấn công gần đây, người Nga hoàn toàn không sử dụng Tu-160 để phóng tên lửa hành trình. Điều này càng rõ khi so sánh hai loại chiến đấu cơ chiến lược: Tu-160 có thể mang tới 12 tên lửa hành trình trên khoang và Tu-95MS chỉ mang được từ 6 - 8 quả (tùy thuộc vào loại tên lửa hành trình và những cải tiến trên máy bay ném bom).
Câu hỏi đặt ra là người Nga có thể gặp vấn đề gì với Tu-160, và tại sao Ukraine từng từ chối chúng.
Theo trang Defense Express, quay ngược dòng lịch sử, vào thời điểm Liên Xô tan rã, tất cả những chiếc Tu-160 của Liên Xô, sau đó được chuyển giao cho Không quân Ukraine, đều tập trung tại Trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng Cận vệ 184, khi đó đóng tại sân bay Pryluky, tỉnh Chernihiv, Ukraine. Vấn đề đầu tiên với việc bảo dưỡng những chiếc máy bay này đã nảy sinh ngay từ đầu: chỉ 25% thành viên các đoàn bay và 60% nhân viên kỹ thuật thề trung thành với Ukraine.
Sau đó, Liên bang Nga, nhằm mục đích có được những chiếc chiến đấu cơ này, bắt đầu có một số động thái. Cục Thiết kế Tupolev từ chối nghĩa vụ bảo dưỡng Tu-160 của Không quân Ukraine. Và việc thiếu kỹ thuật viên máy bay trong nước làm trầm trọng thêm vấn đề này với Kiev.
Sự chủ quan của giới lãnh đạo quân sự - chính trị của Ukraine vào thời điểm đó cũng đóng vai trò. Khi đó, người ta tin rằng Ukraine không có cơ sở huấn luyện cho phi hành đoàn Tu-160 và Ukraine không có những nhiệm vụ đòi hỏi phải có những chiến chiến đấu cơ này. Tất cả những điều đó cuối cùng đã dẫn đến giai đoạn năm 1999 Ukraine chuyển giao máy bay và tên lửa cho Nga để đổi lấy khí đốt tự nhiên - điều mà người Ukraine đến ngày nay vẫn vô cùng hối tiếc.
Việc so sánh thực tế vào năm 1995 sang thực tế năm 2022 có thể không hoàn toàn phù hợp, nhưng Defense Express đã chỉ ra một số vấn đề mà phi đội Tu-160 của Nga vẫn đang gặp phải.
Điều đầu tiên là về kích cỡ của đường băng. Sân bay ở Pryluky (tỉnh Chernihiv, Ukraine) là nơi đầu tiên Tu-160 được vận hành. Và tại sân bay này, chiều dài đường băng được kéo dài lên tới 3.000m, bởi loại chiến đấu cơ chiến lược này có quán tính rất cao khi hạ cánh (nói đơn giản là máy bay có nguy cơ lăn khỏi đường băng do lỗi của phi công).
Một chi tiết khác là thực tế đã chỉ ra rằng tốt hơn hết là không nên "gập" cánh trên Tu-160 thành góc quét 60 độ để tiết kiệm không gian trong bãi đậu. Đó là lý do tại sao người Nga chỉ đỗ những chiếc Tu-160 với đôi cánh "xòe" ở góc quét 20 độ, khiến chúng chiếm rất nhiều không gian tại sân bay.
Tất nhiên, sẽ có nhu cầu rất lớn về thiết bị phù hợp tại các sân bay khi phân tán máy bay chiến đấu Tu-160 ở Nga. Cụ thể là phải mất 64 giờ cho công tác chuẩn bị để một chiếc Tu-160 cất cánh. Và cần 15 - 20 phương tiện đặc biệt cho các mục đích khác nhau, bao gồm ô tô có máy điều hòa không khí di động, ít nhất ba bộ nạp nhiên liệu TZ-60 và thiết bị thấm nitơ nhiên liệu, xe buýt nhỏ có hệ thống thông gió để chở bộ đồ bay cao của phi hành đoàn. Tiếng ồn trong quá trình chuẩn bị cho máy bay bay có thể lên tới 130 decibel và tiếng ồn từ khi khởi động động cơ phụ trợ dường như vượt quá ngưỡng đau tai tới 45 decibel.
Rất khó để nói liệu Không quân Nga hiện có sử dụng một "đoàn xe" như vậy để chuẩn bị cho những chiếc Tu-160 thực hiện các chuyến bay hay không. Trên các hình ảnh vệ tinh hiện tại, chúng ta có thể thấy rằng có rất ít thiết bị được sử dụng để chuẩn bị cho Tu-95MS cất cánh. Và thực tế là người Nga sử dụng loại chiến đấu cơ chiến lược này thường xuyên hơn.
Một khía cạnh kỹ thuật khác của Tu-160 đáng chú ý là động cơ NK-32 của chúng. Trong những năm đầu tiên hoạt động, đôi khi những động cơ này rất khó khởi động. Đó là lý do tại sao trong quá trình phát triển Tu-160 ở Pryluky (Ukraine), việc thay đổi tổ lái được thực hiện cả khi động cơ máy bay đang bật, về cơ bản là một kiểu "dừng chân".
Một nguyên nhân khác: ít nhất là trong những năm đầu tiên Tu-160 phục vụ, tổ hợp phòng thủ trên máy bay thường xuyên gặp sự cố, bao gồm các phương tiện chiến tranh vô tuyến điện tử.
Rõ ràng, người Nga đã tạm thời ngừng sử dụng các chiến đấu cơ này để "tiết kiệm" nguồn lực. Nga đã không chế tạo oanh tạc cơ nào mới hoàn toàn kể từ sau năm 1992, trong đó dây chuyền sản xuất dòng Tu-160 đã đóng cửa năm 1995. Nước này từng xuất xưởng một số máy bay Tu-160 trong giai đoạn 2002 - 2017, nhưng đều dựa trên những khung thân chế tạo dang dở từ trước.
Bộ Quốc phòng Nga chỉ quyết định khởi động lại dây chuyền chế tạo mới dòng Tu-160 vào năm 2015, trong bối cảnh dự án chiến đấu cơ tàng hình PAK DA bị đình trệ và thiếu ngân sách.
Theo hãng tin TASS, mới đây, hôm 23/12, Chủ tịch Tập đoàn Máy bay Thống nhất Nga (UAC) Yury Slyusar thông báo nhà máy sẽ bàn giao chiếc Tu-160 đầu tiên được chế tạo mới hoàn toàn kể từ năm 1992 cho không quân Nga trong năm nay.
"Tu-160M là phiên bản nâng cấp sâu, được bổ sung nhiều tính năng so với những chiếc Tu-160 nguyên bản. Chúng tôi đang nâng cấp phi đội Tu-160 sẵn có, đồng thời thiết lập dây chuyền sản xuất mới tại Kazan và sẽ bàn giao chiếc Tu-160M mới hoàn toàn đầu tiên cho không quân Nga trong năm nay", ông Slyusar cho biết.
Tu-160 là chiến đấu cơ siêu thanh có sải cánh và khối lượng rỗng lớn nhất từng được chế tạo. Nó được đặt biệt danh "Thiên nga trắng" nhờ lớp sơn có khả năng phản xạ tia phóng xạ và khả năng cơ động hiếm có đối với một máy bay ném bom.
Phiên bản hiện đại hóa Tu-160M được trang bị hệ thống tự vệ tích hợp, thiết bị liên lạc và động cơ đời mới, cùng nhiều vũ khí tối tân nhằm tăng cường khả năng tiến công tầm xa có độ chính xác cao. Quân đội Nga khẳng định uy lực của Tu-160M cao hơn hẳn so với biến thể Tu-160 nguyên bản.