Vì một tương lai tươi sáng hơn

Vấn đề quyền trẻ em thời gian qua đã trở thành tâm điểm quan tâm của xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây gián đoạn cuộc sống và học tập của các em.

Chú thích ảnh
Trẻ em tại một lớp học ngoài trời ở ngoại ô Kolkata, Ấn Độ, ngày 4/9/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Những thay đổi môi trường đột ngột khiến trẻ và những người chăm sóc phải tìm cách thích ứng, cũng là lúc nguy cơ trẻ bị lạm dụng và trở thành nạn nhân của bạo lực cũng cao hơn.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện nay trẻ em từ khắp nơi trên thế giới đều có nguy cơ hứng chịu bạo lực, dưới nhiều dạng thức như xâm hại thể chất, tình dục và cảm xúc, trong nhiều trường hợp có cả tình trạng bị bỏ rơi. Bạo lực nhằm vào trẻ em có thể xảy ra ở nhiều nơi, trường học, nhà ở, cộng đồng hoặc trên mạng Internet. Có nhiều đối tượng có thể gây ra bạo lực với trẻ em, từ các thành viên gia đình, giáo viên, hàng xóm tới người lạ hoặc những trẻ em khác. Đại dịch COVID-19 hoành hành càng làm vấn đề trở nên nghiêm trọng.

UNICEF cảnh báo đại dịch đe dọa làm đảo ngược nhiều thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, làm gia tăng nguy cơ xâm hại và bạo lực trẻ em. Tình trạng gián đoạn hoạt động trên diện rộng và các cơ chế giám sát báo cáo về tình hình thực hiện bảo vệ quyền trẻ em bị tê liệt tại nhiều nơi trong đại dịch. UNICEF  ước tính có khoảng 1,8 tỷ trẻ em trên thế giới sống ở những quốc gia mà các dịch vụ phản ứng và ngăn chặn bạo lực bị gián đoạn.

Một nghiên cứu thực hiện năm 2020 tại Mỹ cho thấy gián đoạn kinh tế trong đại dịch dẫn tới mất việc làm khiến trẻ em ở Mỹ đứng trước nguy cơ cao hơn bị áp lực tinh thần vì cha mẹ thất nghiệp. Việc các nhà trường đóng cửa khiến trẻ phải ở nhà cũng dẫn tới nguy cơ trẻ không được chăm sóc đầy đủ hoặc hứng chịu bạo lực tại nhà. Trong khi Internet trở thành một môi trường làm việc và học tập giảm tiếp xúc rất hữu ích trong thời gian dịch bệnh hoành hành thì đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ với trẻ em.

Một báo cáo mới được cảnh sát Đức công bố ngày 30/5 cho thấy tình trạng bạo lực tình dục trẻ em tại nước này đã tăng đáng kể, trong đó số vụ sử dụng hình ảnh, tư liệu mang tính bạo lực trẻ em đã tăng hơn gấp đôi trong năm 2021.  Theo báo cáo của Văn phòng Cảnh sát hình sự liên bang Đức, trung bình số nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục nhằm vào trẻ em ở nước này năm 2021 là 49 nạn nhân/ngày, số trẻ dưới 14 bị bạo hành theo hình thức này là 17.704 em. Trong khi đó, châu Âu cũng bị coi là nơi lưu trữ nhiều tư liệu mang tính xâm hại trẻ em, với khoảng 60% số tư liệu mà cảnh sát Đức tìm ra được lưu trữ trong các máy chủ ở châu Âu.

Trong khó khăn, UNICEF vẫn ghi nhận các quốc gia đã nỗ lực để duy trì các dịch vụ và hoạt động nhằm bảo vệ trẻ em. Chính phủ Malaysia tăng thời lượng làm việc và cơ sở vật chất hỗ trợ công tác liên lạc trực tuyến, liên lạc qua điện thoại đối với các nhân viên dịch vụ xã hội để tiếp cận trẻ em và các gia đình có nguy cơ, cung cấp dịch vụ hỗ trợ tâm lý xã hội để giảm căng thẳng trong thời gian đại dịch. Nhiều quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh, Bolivia, Ethiopia… cũng quy định các nhân viên xã hội là “thiết yếu” để thực hiện các dịch vụ bảo vệ trẻ em, cung cấp cho lực lượng này những thiết bị cần thiết để duy trì chức năng bảo vệ trẻ và gia đình. 

Tại Australia, sau khi ghi nhận số lượng báo cáo về các vụ lạm dụng trẻ trên mạng xã hội tăng, giới chức đã tăng cường các cổng thông tin điện tử trực tuyến về các vấn đề liên quan, cung cấp công cụ cho các nhà trường để có chính sách và quy trình chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo môi trường trực tuyến an toàn cho trẻ em. Khi các đường dây nóng bảo vệ trẻ em nhận ngày càng nhiều cuộc gọi liên quan dịch bệnh, giới chức đã áp dụng cơ chế sàng lọc để ưu tiên các cuộc gọi báo nguy cơ với trẻ em, mạng lưới các bác sĩ tâm lý và nhân viên tư vấn gia đình và trẻ em được củng cố trong đại dịch. Bộ Giáo dục Philippines cũng đã tăng cường chính sách bảo vệ trẻ em trong thời gian học trực tuyến do không thể đến trường học tập trực tiếp đồng thời điều chỉnh cơ chế báo cáo các vụ bạo lực trẻ em phù hợp với hoàn cảnh đại dịch. Để giảm thiểu nguy cơ tăng các vụ bạo lực gia định trong thời gian giãn cách, một số nước như Jordan và Montenegro đã áp dụng những cách làm sáng tạo để giúp các bậc cha mẹ tìm cách xây dựng môi trường lành mạnh cho con cái tại nhà. 

Chú thích ảnh
Học sinh tại một trường học ở Ouagadougou, Burkina Faso. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo UNICEF, 29 quốc gia trên thế giới đã tham gia sáng kiến “Parenting for Lifelong Health”, với mục tiêu chính là trang bị những chương trình nuôi dạy trẻ và những kỹ năng ngăn chặn các hành vi ngược đãi và các hình thức bạo lực khác đối với trẻ em. Các chuyên gia nhận định việc ngăn ngừa ngược đãi và bạo lực trẻ em sau này cũng có thể mang lại những lợi ích quan trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần khi trẻ em trở thành người lớn.

Tại Việt Nam, Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong quý I năm nay, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021). Thống kê của Cục Trẻ em cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, cả nước có 147 trẻ bị xâm hại, tăng 30 em so với quý 1/2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt bóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi. Để không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em, chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 (tháng 6 hằng năm) là “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết thời gian qua, những hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực trẻ em trong gia đình và xâm hại tình dục diễn ra khá phức tạp, cần tăng cường nhận thức hành vi của xã hội, của cộng đồng dân cư, tránh để xảy ra vụ việc quá phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng mới can thiệp. Luật Trẻ em Việt Nam đã quy định rất rõ trách nghiệm của từng cấp, bộ, ngành, tổ chức trong bảo vệ trẻ em. Việc phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục cần có kỹ năng và sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền và gia đình.

Năm 2016, Tổng Thư ký LHQ khi đó là ông Ban Ki-moon đã khởi động chương trình Đối tác toàn cầu về Chấm dứt bạo lực trẻ em và Quỹ liên kết với mục tiêu hỗ trợ hành động nhằm chấm dứt mọi hình thức bạo lực trẻ em vào năm 2030. Một năm sau, Sáng kiến toàn cầu về chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học đã được khởi động và triển khai trong 5 năm (2017 – 2022). Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn, đã bộc lộ rõ hơn những nguy cơ xung quanh trẻ, những thách thức mà mỗi gia đình, nhà trường và xã hội phải đối mặt để tìm ra cách nuôi dạy và hỗ trợ trẻ phát triển tốt hơn cả về thể chất và tinh thần. Cũng chính đại dịch đã thôi thúc các quốc gia tìm cách thích ứng để không từ bỏ một trong những mục tiêu quan trọng là bảo vệ trẻ em, từ đó đề cao hơn nữa vai trò của nhiệm vụ này, bởi “việc nuôi dạy một đứa trẻ mạnh mẽ sẽ dễ dàng hơn chữa lành một đứa trẻ đã tổn thương”.

Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, đảm bảo cho trẻ có môi trường phát triển lành mạnh, không phải chịu những tổn thương về tâm hồn và thể chất chính là nền móng tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn cho toàn thế giới.

Lê Ánh (TTXVN)
UNICEF kêu gọi bảo vệ trẻ em sau vụ xả súng tại trường tiểu học ở Mỹ
UNICEF kêu gọi bảo vệ trẻ em sau vụ xả súng tại trường tiểu học ở Mỹ

Đề cập đến vụ xả súng kinh hoàng vừa xảy ra tại một trường tiểu học ở bang Texas (Mỹ), Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell ngày 25/5 đặt ra câu hỏi: “Bao nhiêu trẻ em nữa sẽ phải bỏ mạng trước khi các lãnh đạo hành động?”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN