Venice trở lại cuộc sống thường nhật sau trận lụt lịch sử 

Ngày 18/11, "thành phố của các kênh đào" Venice của Italy đã trở lại cuộc sống thường nhật sau 1 tuần hứng chịu đợt lũ lụt lịch sử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, hoạt động kinh doanh của người dân địa phương cũng như các di sản văn hóa ở thành phố du lịch nổi tiếng này. 

Chú thích ảnh
Ngập lụt trên quảng trường San Marco ở Venice, Italy do triều cường cao nhất trong 50 năm qua, ngày 13/11/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Các trường học đã mở cửa trở lại, trong khi người dân và các nhân viên cửa hàng đang dồn lực tổng vệ sinh, dọn dẹp lớp bùn đất, nước bẩn do đợt lụt từ ngày 12/11 để lại. Trong khi đó, các chuyên gia dự báo thời tiết cảnh báo vẫn còn nguy cơ mưa to và ngập nước tại nhiều khu vực trong thành phố.   

Trong tuần qua, hai 2 đợt triều dâng liên tiếp đã nhấn chìm Venice, trong đó đợt triều ngày 12/11 có đỉnh cao tới 1,87 mét, là mức cao nhất kể từ năm 1996. Khoảng 80% diện tích thành phố chìm trong nước.

Do ảnh hưởng của triều cường, ít nhất đã có 2 người thiệt mạng và nhiều công trình văn hóa đe dọa bị hư hại. Chính phủ Italy đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại Venice sau đợt thủy triều hiếm thấy, chi khẩn cấp 20 triệu euro (tương đương 22 triệu USD) để thành phố cùng các khu vực lân cận bị ảnh hưởng trong trận lụt để có hành động hỗ trợ kịp thời. 

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục sau thảm họa thiên tai, Thị trưởng Venice, ông Luigi Brugnaro cho biết chính quyền thành phố sẽ sớm cung cấp bản khai đề nghị hỗ trợ. Ước tính thiệt hại sơ bộ do đợt lũ lụt này gây ra cho cư dân thành phố hiện là hơn 1 tỷ euro.

Venice là thành phố lịch sử xinh đẹp ở Đông Bắc Italy, được xây dựng trên 118 hòn đảo, nằm giữa 175 kênh đào và kết nối với hơn 400 cây cầu. Tuy chỉ là một thành phố nhỏ với 50.000 cư dân, song Venice thu hút tới 36 triệu lượt du khách  tham quan mỗi năm.

Lan Phương   (TTXVN)
Venice đối mặt với hiểm họa thủy triều dâng, đâu chỉ do biến đổi khí hậu
Venice đối mặt với hiểm họa thủy triều dâng, đâu chỉ do biến đổi khí hậu

Năm 2014, 35 chính trị gia, doanh nhân và công chức Italy đã bị bắt vì tội tham nhũng và hối lộ trong dự án cứu Venice. Dự án này lẽ ra phải hoàn thành từ năm 2011, nhưng do các vấn đề về thiết kế và kỹ thuật, nó sẽ không thể được hoạt động cho đến ít nhất là năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN